Cùng khám phá đặc điểm về cây thanh hao hoa vàng

Cây thanh cao hoa vàng là một trong những vị dược liệu quý, được sử dụng lâu đời với nhiều công dụng nổi bật. Ngày nay, loại cây thuốc này vẫn được các chuyên gia, nhà khoa học càng quan tâm nghiên cứu để truy tìm những tác dụng mà chúng ta chưa biết tới.  Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho các bạn có cái nhìn tổng quan về cây thanh cao hoa vàng.

1. Đặc điểm thực vật và phân bố

Cây thanh hao hoa vàng có tên khoa học là Artemisinin annua L., học Cúc (Asteraceae). Theo hệ thống phân loại thực vật Takhtajan, cây thanh cao hoa vàng có vị trí phân loại khoa học được thể hiện giống như trong bảng dưới đây.

Bộ

Cúc (Asterales)

Họ

Cúc (Asteraceae)

Chi

Ngải (Artemisia)

Loài

Artemisia annua L.

 

Ngoài ra, cây thanh cao hoa vàng còn có nhiều tên khác:

  • Tên đồng nghĩa: Artemisia stewartii Clarke, A.wade Edgew
  • Tên khác: Thanh cao hoa vàng, thảo cao, ngải hoa vàng, ngải sỉ, ngải hôi, ngải mèo, hoàng hoa cao, nhả ngài bầu sláy (tiếng Tày).
  • Tên nước ngoài: Amoise chinoise (Pháp)

Cây thảo mọc thẳng đứng, sống hàng năm, phân nhiều cành. Thân hình trụ có rãnh dọc, màu lục hoặc hơi tím, cao 0.5 – 2.0m. Lá kép mọc so le, lá ở giữa thân thường xẻ 3 lần lông chim thành những thùy nhỏ và sâu, lá ở giữa ngọn lúc cây sắp ra hoa thường hẹp, xẻ 1 – 2 lần lông chim, mặt trên có lông lục nhạt, cả mặt đều có có lông nhỏ mịn.

Cụm hoa hình đầu, cuống rất ngắn, đường kính 1.5 cm, các đầu tụ họp thành chùy ở ngọn thân và đầu cành, các lá bắc hình sợi chỉ thuôn không lông, xếp thành 2 – 3 hàng.

Loại cây này có hoa màu vàng, dạng ống, dài không quá 1mm,  phía ngoài là hoa cái, bên trong là hoa lưỡng tính. Tràng của hoa cái cso tuyến ở trong ống, ống tràng hơi loe ở đỉnh, rồi chia thành 4 thùy nhọn, vòi nhụy xẻ; tràng của hoa lưỡng tính rộng và xẻ thành 5 thùy; nhị 5, bao phấn ngắn.

Quả bế, hình trái xoan hoặc hình trúng ngược, có vân dọc, dài 0.4 – 0.5 mm, có tinh dầu. Toàn thân và lá vò ra có mùi thơm đặc biệt.

Mùa hoa quả vào tháng 9 – 11.

Đặc điểm thực vật cây thanh cao hoa vàng

Đặc điểm thực vật cây thanh hao hoa vàng

Bộ phận dùng: Lá của cây thanh cao hoa vàng được thu hái ở cây sắp ra hoa, phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở nhiệt độ 30 – 40°C. Lá có màu vàng, mùi thơm hắc đặc biệt, vị đắng.

Phân bố:

Trên thế giới: rải rác ở vùng ôn đới ẩm, cận nhiệt đới và nhiệt đới Bắc bán cầu, bao gồm một số nước ở Đông Âu, Bắc Mỹ, Tây – Nam Á và Đông Á. Ở châu Á, cây thường gặp ở phía nam Liên Xô trước đây, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Việt Nam: mọc tự nhiên ở bốn tỉnh (Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang). Được trồng ở các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ như Vĩnh Phúc, Phú Thọ (Thanh Sơn), Tuyên Quang, Bắc Ninh,…

Đặc điểm sinh thái:

Thanh cao hoa vàng là loại cây ưa sáng và ưa ẩm. Trong tự nhiên có thể thấy cây hơi chịu bóng khi mọc lẫn với một số cỏ và cây bụi ở vùng đồi và chân núi đá vôi. Theo sách “Trung dược thông báo”, chế độ chiếu sáng có ảnh hưởng trực tiếp tới hàm lượng artemisinin trong lá; độ che bóng ngày càng cao thì lượng chất này càng giảm.

Hàng năm, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, khi nhiệt độ ấm dần lên (16 – 18°C), hạt thanh cao hoa vàng trong tự nhiên bắt đầu nảy mầm. Trong thời gian khoảng từ 2 – 2.5 tháng đầu, cây con sinh trưởng chậm, trung bình chỉ cao 8 – 10.2 cm/tháng. Lúc này, cây chưa có hoạt chất. Khi cây được 3.5 – 4.0 tháng tuổi thì bắt đầu sinh trưởng mạnh, phân cành và có thể đạt chiều cao trên 1.0 m, hàm lượng hoạt hcaast trong lá tăng rất nhanh, cho đến khi có hoa thì được coi là cực đại.

Đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, cây sinh trưởng chậm lại, số lá xanh trên cây giảm đi, do các lá phía gốc già và rụng. Hoa thanh cao thường nở từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài. Quả già và chín từ tháng 10 đến tháng 11.

2. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học có trong cây thanh cao hoa vàng phần trên mặt đất chứa artemisinin (thành phần chính), acid artemisinic, artemisin (quingisosu I), artenuin B (quinghaosu II), desoxyartemisinin (quinghaosu III), quinghaosu IV, artenuin E (quinghaosu V), artemisininlacton (artenuin F), artemisiten (dehydroartemisinin), artemisinic acid methyl ester.

Ngoài ra, cây thanh cao hoa vàng còn chứa lipid, flavonoid, coumarin, polyacetylen, tinh dầu sterol. Hàm lượng artemisinin trong lá cây thanh cao hoa vàng đạt từ 0.01% đến 0.9%.

Dưới đây là cấu trúc hóa học của một số thành phần chính có trong cây thanh cao hoa vàng ngoài artemisinin.

Thành phần hóa học trong cây thanh cao hoa vàng

Một số thành phần hóa học có trong cây thanh cao hoa vàng

3. Tác dụng dược lý và công dụng

Có thể nói, thanh cao hoa vàng là một trong những vị dược liệu quý do có nhiều tác dụng dược lý và công dụng nổi bật. Để hiểu rõ về vấn đề này, mời các bạn đọc các phần bên dưới đây.

3.1. Tác dụng dược lý

Cao chiết từ thanh cao hoa vàng có hoạt tính chống sốt rét, có thể là do phân đoạn chứa lactoon sesquiterpen. Hoạt chất chống sốt rét quan trọng nhất của thanh cao hoa vàng trong phân đoạn này là endoperoxyd artemisinin, nhưng một số hợp chất có liên quan từ thanh cao hoa vàng và một số loài Artemisinin khác cũng có một phần hoạt tính, ví dụ như artemisiten.

Nồng độ có tác dụng EC50 của artemisinin in vitro là 0.01 µg/ml. Những thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, Gambia, Hà Lan, Thái Lan, Việt Nam và nhữn nước khác trên người tình nguyện viên và hàng ngàn bệnh nhân sốt rét do Plasmodium falciparum nặng và vừa cho thấy artemisinin và các dẫn chất khác an toàn và có hiệu quả.

Hoạt chất artemisinin có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét

Hoạt chất artemisinin có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét

Artemisinin có hoạt tính diệt thể liệt sinh trong máu, có tác dụng trên giai đoạn vô tính của ký sinh trùng ở hồng cầu. Một bước quan trọng trong cơ chế tác dụng của artemisinin và các dẫn chất khác có liên quan có thể là sự khử xúc tác bởi hemin của phần peroxyd, dẫn đến những hợp chất độc hại tế bào mạnh hơn, như các gốc tự do và aldehyd có hoạt tính diệt ký sinh trùng sốt rét.

Các flavonoid có trong cây thanh cao hoa vàng như casticin, chryso phenol – D và chrysoplenetin đã làm tăng rõ rệt hoạt tính chống sốt rét của artemisinin do tác dụng hiệp đồng.

Hoặc trong một giới hạn nào đó, các flavonoid này có thể gây độc tế bào, chrysoplenetin và cirsihocol có tác dụng gây độc tế bào rõ rệt, gây ức chế sự phát triển của P.falciparum.

3.2. Công dụng

Theo tài liệu y văn cổ đại, thanh cao hoa vàng có vị đắng, tính hàn, quy vào 2 kinh can và đởm. Có tác dụng thanh khử tịch uế, trừ âm phận phục nhiệt. Cây thuốc này có thể dùng để chữa sốt, lao nhiệt, mồ hôi trộm, sốt rét, mụn nhọt.

Trong đông y, cây thanh cao hoa vàng được dùng làm thuốc chữa chữa các chứng sốt (sốt cảm, sốt do bệnh phổi, thương hàn), sốt mà mồ hôi không ra được, mồ hôi trộm, vàng da. Đông y cho rằng vị dược liệu thanh cao dùng lâu không có hại, mà còn làm cho ăn ngon cơm, dễ tiêu, giảm thiểu mệt mỏi về cơ thể và trí não.

Cả cây thanh cao hoa vàn nấu nước tắm rửa, ngâm chữa lở ghẻ ngứa. Cả cây thanh cao hoa vàng phơi khô, dùng đốt hun trừ muỗi.

Cây thanh cao hoa vàng còn có công dụng cầm máu, chữa đổ máu cam, đại tiện ra huyết. Ngoài ra, loại dược liệu này còn có tính chất sát trùng, chữa mụn nhọt lở ngứa.

Ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc, có thể dùng tới liều 20g/ngày.

Một số bài thuốc thanh hao hoa vàng mà dân gian vẫn hay được sử dụng

  • Chữa mệt nhọc, kém ăn: Lấy một phần lá, 3 phần nước, đun nước và cô đặc, làm thành viên bằng hạt ngô. Trước khi đi ngủ hoặc lúc đói uống 10 -20 viên. Có dùng rượu nóng để chiêu thuốc.
  • Chữa bệnh thương hàn, sốt do bệnh phổi, mồ hôi trộm: Thanh cao hoa vàng 20g, mạch môn 15g, đẳng sâm 12g, sinh địa 15g, gạo sống 15g, nước 800ml. Sắc và cô còn 300ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
  • Chữa sốt rét: thanh cao hoa vàng 80 g, rễ thường sơn 60 g (tẩm rượu), hạt cau già 20 g (sao). Tất cả được phơi khô, thái nhỏ, tán thành bột mịn, trộn với bột nếp và là thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 3 viên, ngày 2 – 3 lần.

Ngoài ra, trong y học hiện đại thì thanh cao hoa vàng là nguồn nguyên liệu để chiết xuất artemisinin được sử dụng trong điều trị sốt rét do P.falciparum dùng riêng hoặc phối hợp với mefloquin hoặc quinin.

Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức về đặc điểm thực vật, tác dụng và công dụng của cây thanh cao hoa vàng.

 

Xếp hạng: 5 (2 bình chọn)

Viết bình luận