Cây địa liền: đặc điểm thực vật, thành phần, các chế phẩm

Đã từ lâu, cây địa liền được coi như là một vị thuốc quý trong dân gian với nhiều công dụng nổi bật. Đây cũng chính là lý do mà nhiều nhà khoa học, nghiên cứu dành nhiều sự quan tâm tới loài cây. Để tìm hiểu rõ hơn về cây địa liền, mời các bạn cùng đọc ngay bài viết dưới đây để có góc nhiền tổng quan nhất về loài thực vật này.

1. Tổng quan về cây địa liền

Trong hệ thống phân loại thực vật Takhtajan 1987, cây Địa liền được phân loại như sau:

Giới

Thực vật – Plantae

Không phân hạng

Nhóm thực vật có hoa – Angiosermae

Lớp

Lớp thực vật một lá mầm (Liliopsida)

Phân lớp

Phân lớp Gừng (Zingiberidae)

Bộ

Bộ Gừng (Zingiberales)

Họ

Họ Gừng (Zingiberaceae)

Phân họ

Phân họ Gừng (Zingiberoideae)

Chi

Chi Địa liền (Kaempferia)

Loài

Kaempferia galanga L.

Tên khoa học của vị thuốc địa liền: Rhizoma Kaempferia

Tên đồng nghĩa: Kaempferia rotunda Ridl

Cây địa liền còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: sa khương, tam nại, sơn nại, thiền liền, faux galanga.

1.1. Đặc điểm thực vật của cây địa liền

Cây thảo, sống lâu năm, không có thân. Thân rễ gồm nhiều củ nhỏ, hình trứng mọc nối tiếp nhau, có nhiều vân ngang. Lá của cây địa liền có những đặc điểm như:

  • Có dạng hình trứng gần tròn, đầu tù thuôn nhọn, gốc thuôn hẹp thành cuống ngắn.
  • Mặt trên của của lá cây địa liền nhẵn bóng, mặt dưới có một chút lông mịn, hai mặt của lá có nhiều chấm hình vòng tròn,
  • Phiến lá dài 8 – 10 cm, rộng 6 – 7 cm, xòe rộng sát mặt đất.

Cụm hoa không cuống, nằm ẩn trong vè lá, lá bắc hình mũi mác nhọn, cụm hoa gồm 6 – 12 cái, xếp thành hình bánh xe, màu trắng có đốm tím ở giữa; đài có 3 răng dài, hẹp và nhọn; tràng có ống dài, mang 3 thùy.

Không những vậy, nhị hoa của cây địa liền không có chỉ nhị, bao phấn có 2 ô song song; có nhị lép, cánh môi to chẻ đôi thành 2 thùy.

Toàn cây, đặc biệt là phần thân rễ có mùi thơm và vị nóng.

Mùa hoa quả thường vào tháng 5 đến tháng 7.

Đặc điểm thực vật của cây địa liền

Đặc điểm thực vật của cây địa liền

1.2. Đặc điểm phân bố và sinh thái của cây địa liền

Địa liền là loài thực vật phân bố nhiều ở nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philipine, Thái Lan, Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Tại Việt Nam, chi Kaempferia L. có tổng cộng khoảng 9 – 10 loài. Địa liền là cây mọc tự nhiên ở Tây Nguyên, một số tỉnh miền núi như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La.

Không những vậy, cây còn được trồng nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…, Nghệ An, Thanh Hóa.

Địa liền là loại cây ưa sáng, ưa ẩm và có khả năng chịu hạn. Hàng năm, cây mọc lá non vào tháng 4 – 5, sinh trưởng nhanh vào mùa hè và ra hoa. Hoa nở mỗi ngày 1 cái vào lúc sáng sớm, rồi tàn tàn lúc 10 giờ sáng.

Địa liền có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, từ một củ con mới trồng thì sau một năm đã tạo thành khóm lớn. Toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi vào mùa đông.

Đầu những năm 90, các tỉnh phía Bắc vẫn trồng nhiều địa liền để xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, cây trồng chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

1.3. Kỹ thuật trồng cây địa liền

Cây địa liền thường được trồng dải dác ở các hộ gia đình. Và gần đây, khi nhu cầu thị trường tăng cao thì nhiều cơ sở kinh doanh rất quan tâm đến cách trồng hay kỹ thuật trồng cây địa liền.

Cây địa liền được nhân giống bằng rễ củ do khả năng tái sinh mạnh mẽ của rễ củ địa liền, chỉ cần một nhánh nhỏ cũng có thể mọc thành cây. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất cần chọn những củ chưa mọc thành cây, có đường kính 1.5 – 2 cm không bị sâu bệnh.

Địa liền có thể trồng được trên nhiều loại đất nhưng cần phải tơi xốp, chỗ trồng cao ráo, thoát được nước và đầy đủ ánh sáng. Cây hơi chịu bóng nên có thể trồng xen kẽ với các loại cây khác. Ở các vườn nhỏ thuộc hộ gia đình, trong điều kiện bị che bóng một phần thì cây vẫn sinh trưởng tốt.

Đầu tiên, bạn có thể xới đất cho nhỏ lại, làm sạch đất, nhổ cỏ. Sau đó, bạn có thể bón phân lót, phân thành các luống rồi trồng. Củ địa liền ăn nông trên mặt đất nên luống chỉ cần cao 20 – 30 cm. Mặt luống rộng hay hẹp tùy theo việc chăm sóc.

Trung bình, với mỗi hecta trồng cây địa liền, bạn sẽ cần dùng đến 20 – 25 tấn phân chuồng, 250 kg supe lân, 150 kg kali và có thể thêm 3 – 5 tạ tro bếp để bón lót. Riêng đối với kali, bạn chỉ lượng kali thành 2 phần, một nửa dùng để bón lót còn một nửa dùng để bón thúc.

Mầm được trồng với mật độ 15x20 hoặc 20x20 (cm) phủ đất dày 1-2 cm, cho trấu hoặc rơm rạ lên trên rồi tưới nước giữ ẩm hàng ngày. Mỗi hecta cần 1.5 – 2 tấn củ giống.

Thời kì đầu, cần xới nhẹ để giữ cho mặt luống thông thoáng. Từ tháng 5 đến tháng 8, dùng phân, nước tiểu hoặc đạm pha loãng để bón thúc cho cây, cứ 25 -30 ngày bón 1 lần.

Địa liền ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý tới thoát nước sau mưa để hạn chế việc cây có thể bị úng, dễ thối cả củ.

Sau tháng 12, cây bắt đầu tàn lụi. Lúc này có thể thu hoạch củ để đến tháng giêng. Sau khi đào củ về, rửa sạch, thái nhỏ, sấy lưu huỳnh qua một đêm rồi phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.

Năng suất củ tươi trung bình đạt 15 – 20 tấn/ha. Tỷ lệ trọng lượng tươi/khô dao động trong khoảng 3.5 -4.

1.4. Bộ phận dùng của địa liền

Bộ phận dùng chủ yếu của cây địa liền là thân rễ, thân rễ sau khi thu hái vào mùa đông xuân, rửa sạch phơi khô hoặc sấy.

2. Thành phần hóa học của cây địa liền

Thân  rễ địa liền khô chứa 2.4 – 3.9% tinh dầu, thành phần chủ yếu của tinh dầu có trong thân rễ địa liền là:

  • Acid p-methoxycinamic
  • Ethyl cinamat
  • p-methoxy ethylcinamat

Trong đó, hợp chất p-methoxy ethylcinamat chiếm tới 30% và dễ dàng kết tinh khi bảo quản lạnh. Phần lỏng còn lại sau khi tách khỏi phần kết tinh có hằng số vật lý như sau:

  • Trọng lượng riêng 0.8792 – 0.8914
  • Chỉ số acid 0.5 – 1.3
  • Chỉ số xà phòng hóa 99.7 -109
  • [α]D30 = 2.6 – 4.5°

Ngoài ra, thân rễ còn chứa các hợp chất như: n-pentadecan, △3 – caren, o-methoxy ethylcinamat, borneol, p-methoxystyren, acid transcinamic, aldehyd cinamic, cineol, kaempferol và kaempferid, monoterpen keton: 3-caren-5-on, carvon, encalyptol.

p-methoxy-ethylcinamat                                              

              p-methoxy_ethylcinamat là thành phần chủ yếu có trong tinh dầu của cây địa liền

3. Các tác dụng dược lý và công dụng của của cây địa liền

Cây địa liền có nhiều tác dụng dược lý có lợi cho sức khỏe con người như:

  • Tác dụng giảm đau
  • Tác dụng chống viêm
  • Tác dụng hạ sốt.

Để biết thêm thông tin về tác dụng của cây địa liền, mời bạn đọc bài viết:

4. Các chế phẩm bào chế từ địa liền có trên thị trường

Từ cây địa liền, các nhà nghiên cứu đã sản xuất ra nhiều loại chế phẩm và có nhiều ứng dụng trong cuộc sống như:

  • Bột địa liền dùng làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, làm thuốc, xoa ngoài quần áo giúp chống nhậy cắn.
  • Tinh dầu địa liền dùng trong ngành sản xuất mỹ phẩm, nước hoa, làm chất điều hương trong công nghệ sản xuất thực phẩm.

Tinh dầu địa liền

Tinh dầu địa liền cũng có nhiều ứng dụng trong cuộc sống

Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã cung cấp về cây địa liền đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hơn về đặc điểm thực vật, kỹ thuật trồng, các tác dụng của cây địa liền.

Xếp hạng: 5 (1 bình chọn)

Viết bình luận