Bạn biết đấy, cảm giác đau lưng, nhức mỏi xương khớp thật không hề dễ chịu chút nào, nhất là với những người già. Bởi tình trạng này nếu không được khắc phục, cải thiện kịp thời thì sẽ gây những ảnh hưởng lớn tới vận động, sinh hoạt hoặc thậm chí là cả tâm lý của người bệnh.
Chính lý do này mà mọi người rất quan tâm đến những biện pháp có thể làm giảm nhẹ tình trạng đau lưng, đặc biệt là những cây thuốc chữa đau lưng. Bài viết dưới đây xin được giới thiệu với các bạn những cây thuốc như vậy.
Cẩu tích hay còn gọi là rễ lông cu ly, kim mao cẩu tích, cẩu tồn mao, cây lông khi. Cẩu tích có tên khoa học là Cibotium barometz (L.), họ Lông cu ly Dicksoniaceae. Cẩu tích hay kim mao cẩu tích là thân rễ phơi hay sấy khô, có khi thái mỏng, phơi hay sấy khô của cây lông cu ly.
Cẩu là con chó, tích là lưng, xương sống. Vì vị thuốc chưa thái giống lưng con chó, nên có tên con gọi này.
Cây lông cu ly là một loại quyết thực vật, có khi cao tới 2.5m. Lá dài đến 2m, phủ bởi nhiều vẩy vàng bóng, ở mỗi bên gân giữa bậc ba, có một hay hai ổ tử nang. Thân rễ có lông tơ màu vàng bao phủ, trông tựa như con chó hay như con cu ly.
Cẩu tích mọc hoang ở khắp nơi ở miền rừng núi ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Philipin, miền nam Trung Quốc. Cây có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào cuối thu sang đông. Khi hái về thì rửa sạch cắt bỏ rễ con, cuống lá và lông vàng phủ xung quanh thân rễ, thái mỏng, phơi khô.
Cây cẩu tích chữa đau lưng
Theo quan điểm đông y, cẩu tích có vị đắng, ngọt, tính ôn, quy vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng bổ can thận, mạnh lưng gối, trừ phong thấp, chữa phong hàn, thấp tỳ, lưng đau chân mỏi, thất niếu (không đi đái được).
Chơ tới hiện nay, cẩu tích mới chỉ được dùng trong dân gian để dùng làm thuốc chữa đau lưng, đau xương khớp, đầu gối, chữa phong thấp. Ngoài ra còn dùng làm thuốc bổ gan, thận, chữa trị người già đi tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ khí hư, bạch đới.
Trong dân gian có sử dụng bài thuốc có chứa cẩu tích sau đây để chữa lưng đau nhức:
Cẩu tích 15g Mộc qua 6g
Ngưu tất 10g Đỗ trọng 10g
Sinh mễ nhân 12g Nước 600 ml
Sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày, có thể thêm 20ml rượu trong khi uống thuốc, nếu người bệnh uống được rượu.
Dây đau xương còn có tên gọi là khoan cân đằng. Cây có tên khoa học là Tinospora sinensis Merr, thuộc họ Tiết dê Menispermaceae. Sở dĩ cây có tên là dây đau xương bởi vì ngời ta dùng cây này để chữa bệnh đau xương. Khoan câu đằng là tiếng Trung Quốc cũng có nghĩa là làm cho xương cốt được khỏe.
Dây đau xương là một loại cây leo, dài 7 – 8m, có cành dài rũ xuống, lúc đầu có lông, sau thì nhẵn, có bì không sần sùi, mang lông. Lá có lông màu trắng nhạt, phiến lá hình tim, phía cuống tròn và hõm lại, phía đỉnh hẹp lại thành mũi nhọn, dài 10 – 12 cm, rộng 8 – 20 cm, có 5 gân rõ hình chân vịt.
Dây đau xương cũng là vị dược liệu làm giảm triệu chứng đau lưng
Dây đau xương là một vị thuốc mới được dùng trong phạm vi nhân dân để chữa những triệu chứng của bệnh tê thấp, đau xương, đau lưng. Bên cạnh đó, cây còn được dùng làm thuốc bổ. Để chữa đau xương khớp, đau lưng thì dân gian đã sử dụng một số cách như sau:
- Lá dây đau xương giã nhỏ, trộn với rượu để đắp lên những chỗ sưng đau.
- Thái nhỏ thân dây đau xương, sao vàng ngâm rượu với tỷ lệ 1 : 5. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 cốc con. Phụ nữ và những người không uống được rượu có thể sắc với nước mà uống. Thường thời gian điều trị sẽ kéo dài 15 ngày.
Tỳ giải còn gọi là xuyên tỳ giải, tất giã, phấn tỳ giải. Tỳ giải có tên khoa học Dioscorea tokoro Makino, thuộc họ Củ nâu Dioscoreacae.
Tỳ giải là một cây leo, sống lâu, có rễ phình thành củ to, mặt ngoài màu vàng nâu, trong có màu trắng vàng, chất cứng, vị đắng. Thân nhỏ, gầy. Lá mọc so le, hình trái tim, cuống lá dài, đầu nhọn, có 7 đến 9 hoặc 11 gân lớn. Lá kèm biến thành tua cuốn. Hoa đơn tính, khác gốc, màu xanh nhạt, mọc thành bông.
Cây tỳ giải hiện nay chưa thấy ở Việt Nam, tuy nhiên chúng ta vẫn khai thác với tên tỳ giải một số cây thuộc họ Hành (Alliaceae) và họ Củ nâu (Dioscoreaceae) nhưng chưa xác định tên khoa học chắc chắn. Tỳ giải khai thác quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu đông. Đào củ về, rửa sạch đất, phơi khô có khi thành từng miếng mỏng rồi mới phơi cho chóng khô.
Tỳ giải cũng được dân gian hay dùng trong chữa trị đau lưng, đau xương khớp
Theo tạp chí Dược học Nhật Bản năm 1 936 thì trong tỳ giải có hai chất saponozid là dioxin (dioscin) và dioscorea sapotoxin.
Dioxin là một tinh thể, độ chảy 288°C, không tan trong nước, tan trong cồn, cồn methylic, hơi tan trong aceton.
Dioscorea sapotoxin có độ chảy 220°C, thủy phân sẽ cho một phân tử diosgenin và một phân tử glucoza.
Theo quan điểm của đông y, tỳ giải vị đắng, tính bình, quy vào kinh can và vị, có tác dụng khử phong thấp, phân thanh khứ trọc. Dùng chữa bạch trọc, lưng, gối tê đau, mụn nhọt.
Trong dân gian, người ta sử dụng tỳ giải để thuốc chữa đau gân cốt, đau lưng mỏi gối, nước tiểu có tính acid. Ngày dùng 12 – 18 g dưới dạng thuốc sắc.
Cốt khí củ gọi là hoạt huyết đan, tử kim long, ban trượng căn, hổ trượng căn, điền thất (miền Nam). Cốt khí củ tên khoa học là Reynoutria japonica Houtt, thuộc họ Rau răm Polygonaceae. Cốt khí củ là rễ phơi hay sấy khô của cây cốt khí củ.
Cốt khí củ là một cây nhỏ sống lâu năm, thân mọc thẳng, thường cao 0.5 - 1m nhưng đặc biệt có nơi cao tới 2m. Thân không có lông, trên thân và canh thường có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le có cuống ngắn.
Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi thắt nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mép nguyên, dài 5 – 12cm, rộng 3.5 – 8cm, mặt trên màu xanh nâu đậm, mặt dưới màu nhạt hơn. Cuống dài 1 – 3 cm, bẹ chìa ngắn, hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ. Cánh hoa màu trắng, hoa khác gốc.
Cây cốt khí củ mọc hoang ở nhiều nơi đặc biệt rất nhiều ở Sapa, mọc hoang ở đồi núi hoặc ven đường. Miền đồng bằng cosmocj và được trồng để lấy củ làm thuốc. Trồng bằng củ, rất dễ mọc.
Cây cốt khí củ cũng nằm trong danh sách những vị thuốc chữa đau lưng
Trong rễ cây có chứa antraglucozid chủ yếu là emodin hay rheum emodin C15H10O5, emodin monmethyl ether C16H12O5 dưới dạng tự do và kết hợp. Ngoài ra còn có chất polygonin C21H20O10 và tanin.
Trong dân gian, cốt khí củ là một vị thuốc dùng để chữa tê thấp, do bị ngã, bị thương, chữa đau lưng. Ngoài ra, cốt khí củ còn dùng để cầm máu, lợi tiểu, thông kinh, giảm đau giảm độc, dùng hco những người bị kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, do bị ngã mà bị thương, đẻ xong huyết ứ, bụng trướng.
Ngày dùng 6 – 10g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu cùng với nhiều vị thuốc khác mà uống.
Hy thiêm có tên gọi khác là cỏ đĩ, cứt lợn, hy kiểm thảo, hy tiên, niêm hồ thái, chư cao, hổ cao, chó đẻ, nụ áo rìa. Hy thiêm có tên khoa học Siegesbeckia orientalis L. thuộc họ Cúc Asteraceae.
Hy thiêm là cây cỏ hàng năm, cao chừng 30 - 40 cm, đến 1m, có nhiều cành, có lông tuyến. Lá mọc đối có cuống ngắn, hình 3 cạnh hay thuôn hình quả trám, đầu lá nhọn, phía cuống cũng thót lại, mép có răng cưa, mặt dưới hơi có lông, dài 4 – 10cm, rộng 3 – 6cm.
Cụm hoa hình đầu, màu vàng, cuống có lông tuyến dính. Có 2 loại lá bắc không đều nhau:
Quả bế đen hình trứng, cạnh dài 3mm, rộng 1mm.
Mùa hoa: tháng 4 – 5 đến tháng 8 – 9, mùa quả: các tháng 6 – 10.
Hy thiêm
Theo quan điểm của đông y, hy thiêm có vị đắng, tính hàn, hơi có độc, quy vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt.
Các thầy thuốc đông y dùng hy thiêm để chữa chân tay tê dại, lưng mỏi, gối đau, phong thấp. Những người tê đau do âm huyết không đủ không dùng được. Hiện nay, vị thuốc mới được dùng trong dân gian, làm thuốc chữa đau nhức, tê thấp, nhức xương, đau lưng, yếu chân tay, bán thân bất toại, gân cốt nhức lạnh, lưng gối tê dại.
Ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hay cao mềm. Có thể tăng tới liều 16g một ngày.
Các bạn chú ý:
Những cây thuốc, hay các bài thuốc chữa đau lưng như đã nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Các bạn không nên tùy ý áp dụng những bài thuốc này khi chưa có sự chỉ định, kê đơn của các bác sĩ y học cổ truyền bởi những bài thuốc, cây thuốc này khi không sử dụng đúng cách có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.
Mong rằng qua những thông tin mà bài viết chia sẻ đã giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức về những cây thuốc chữa đau lưng. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Giáo sư Đỗ Tất Lợi.
Viết bình luận