Khả năng kháng khuẩn của Tinh dầu Sả chanh trồng tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam

 

Sả chanh (tên khoa học: Cymbopogon citratus) là một cây thuốc lâu năm thuộc họ Lúa (Poaceae), phân bố trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Theo GS. Đỗ Tất Lợi trong y học cổ truyền, Sả chanh có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, thông tiểu, hạ khí, tiêu đờm.

Tuy nhiên, thành phần hóa học trong tinh dầu Sả chanh rất khác nhau tùy vào vùng trồng, trong đó hàm lượng citral- một hoạt chất chính của tinh dầu Sả chanh dao động trong khoảng 30,0 - 93,76% và aldehyde (25 - 38%) - thành phần tạo mùi hương đặc trưng cho tinh dầu Sả chanh.

Trong nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát chất lượng và khả năng kháng khuẩn của tinh dầu từ cây Sả chanh (Cymbopogon citratus) trồng tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam như: Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định.

1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Phương pháp tách chiết tinh dầu từ thân củ tươi, lá tươi bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước trong thời gian 3-5 giờ ở áp suất thường (Bộ Y tế, 1974) thu được tinh dầu thân và lá Sả chanh và được làm khan bằng Na2SO4.

Xác định thành phần hóa học chính của tinh dầu Sả chanh bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS).

Xác định hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu Sả chanh được thực hiện bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch. Hoạt tính kháng khuẩn được xác định theo công thức: D - d (mm), trong đó D: đường kính vòng kháng khuẩn (mm), d: đường kính lỗ khoan (mm). Đối chứng được sử dụng là kháng sinh vancomycin (ĐC1) 8 µg/mL và ampicillin (ĐC2) 40 µg/mL.

2. Kết quả nghiên cứu

- Thành phần hóa học chính của tinh dầu Sả chanh:

Chất lượng của dầu Sả chanh được đánh giá dựa trên hàm lượng citral. Citral là sự kết hợp của geranial (α-citral) và aldehyde đồng phân (β-citral). Bằng phương pháp GC/MS đã xác định được một số thành phần chính của tinh dầu Sả chanh được chiết xuất từ thân và lá cây sả trồng tại một số tỉnh phía Bắc. Kết quả như sau:

Kết quả Bảng 1 cũng cho thấy hàm lượng hoạt chất trong tinh dầu Sả chanh trồng tại Hòa Bình cao hơn so với tinh dầu Sả chanh trồng tại Hà Nam và Nam Định. Kết quả này phản ánh sự khác nhau về chất lượng Sả tại các vùng trồng khác nhau.

- Hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu Sả chanh:

Tiến hành nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu sả với 07 chủng vi khuẩn kiểm định: E. faecalis, S. flexneri, E. coli, S. pneumoniae, S. aureus, S. typhi, K. pneumoniae.

Kết quả tại Bảng 2 cho thấy tinh dầu Sả chanh có khả năng ức chế sự phát triển của 06/07 chủng vi khuẩn kiểm định. Tinh dầu SHB ( Sả Hòa Bình) có khả năng ức chế mạnh nhất sự phát triển của 02 chủng vi khuẩn S. flexneri và S. pneumoniae với đường kính vòng kháng khuẩn đạt 20 mm và 20,5 mm. Đặc biệt, một số tinh dầu sả có khả năng kháng khuẩn cao hơn cả đối chứng - là chất kháng sinh thường được dùng trong nhiều trị nhiễm khuẩn hiện nay (như đường kính vòng vô khuẩn của SHB với vi khuẩn S. flexneri là 20 mm trong khi ở kháng sinh ampicilin chỉ là 18mm).

4. Kết luận

- Hàm lượng một số hoạt chất chính trong tinh dầu Sả chanh trồng tại Hòa Bình cao hơn so với tinh dầu thu được từ Sả chanh trồng tại Hà Nam và Nam Định với hàm lượng citral đạt 79,71% (thân) và 80,73% (lá).

- Tinh dầu Sả chanh có khả năng kháng 06/07 chủng vi khuẩn kiểm định sử dụng bao gồm cả vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Trong đó, tinh dầu Sả chanh trồng tại Hòa Bình có khả năng ức chế mạnh nhất sự phát triển của 02 chủng vi khuẩn S. flexneri và S. pneumoniae với đường kính vòng vô khuẩn đạt 20 mm và 20,5 mm; đối với vi khuẩn S. pneumoniae là 19 mm ở mẫu tinh dầu thân và lá Sả chanh.

 

Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Mai và cộng sự (2020), Viện Ứng dụng Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. DOI: 10.15625/vap.2020.00084.

Đánh giá bài viết