Khám phá vô vàn điều bất ngờ: Lá sen có tác dụng gì?

Mùa hè – mùa của sen nở, đã bao giờ bạn và những người thân háo hức đón chờ tới những cánh hoa sen bung nở đua sắc, từng cánh lá sen căng to, xanh mướt trên mặt hồ chưa? Mỗi mùa sen nở đem tới cho các bạn và chúng tôi nhiều cảm xúc khó tả, chúng ta thường rất thích ngắm nhìn vẻ đẹp của sen và tận hưởng những công dụng tuyệt vời mà sen đem lại, trong đó có lá sen. Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy cùng khám phá những tác dụng bí ẩn mà lá sen đem lại cho sức khỏe của chúng ta nhé

1. Lá sen là gì?

Lá sen (hay còn gọi là liên diệp) là một bộ phận của cây sen (Nelumbo nucifera Gaertn, Nelumbonaceae), một vị dược liệu quý được dân gian dùng rất nhiều để làm thuốc. Các thầy thuốc y học cổ truyền đã dùng tất cả bộ phận của cây sen để chữa trị những bệnh thường gặp.

Điều gì khiến bạn gợi nhớ đầu tiên về hình dạng của lá sen? Chắc hẳn là lá sen có hình tròn, vượt lên khỏi mặt nước, đường kính khoảng 30 – 40 cm, màu lục xám, nếp nguyên lượn sóng, giữa lá thường trũng xuống, mặt sau đôi khi điểm những đốm màu tía, nhân hình khiên.

Cuống lá đính vào giữa lá, dài hơn một mét hoặc hơn, có nhiều gai nhọn cứng. Lá sen thường được thu hái vào mùa thu và bỏ cuống để dùng làm thuốc.

Thành phần hoạt chất được tìm thấy trong lá sen đó chính là alkaloid và đã được xác định là những chất cụ thể như sau: nuciferin, anonain, roemerin, pronuciferin, N-nornuciferin, O-nornuciferin, nepherin, liriodenin, dehydroemerin, armepavin, N- norarmepavin, dehydronuciferin, dehydroanonain, N-methylisococlaurin, N-methylcoclaurin. Trong đó, nuciferin là alcaloid chính.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy flavonoid có trong lá sen như: quercetin, isoquercitrin, leucocyanidin, leucodelphinidin…

Thành phần hóa học có trong lá sen

Một số thành phần hóa học có trong lá sen

2. Một số tác dụng dược lý của lá sen

Trong y học cổ truyền, lá sen có vị đắng, tính chát và quy vào 3 kinh: can, tỳ, thận. Công năng là giải thử, kiện tỳ, lương huyết, chỉ huyết. Chủ trị trúng thử háo khát, ỉa chảy do thử thấp, huyết lị, nôn máu, đổ máu cam, đái ra máu do huyết nhiệt.

Liều dùng: ngày dùng từ 3-9g dược liệu khô, 15-30g dược liệu tươi, dùng dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

2.1. Cải thiện chức năng của hệ thống tuần hoàn

Theo Đỗ Huy Bích và các cộng sự, dịch chiết và alcaloid toàn phần từ tâm sen và lá sen có tác dụng an thần, tăng trương lực cơ và co bóp cơ tử cung thỏ, chống co thắt cơ trơn ruột gây nên bởi lutasmin và acetylcholine. Lá sen có tác dụng chống choáng phản vệ.

Không những vậy, lá sen còn có tác dụng bảo vệ đối với các rối loạn nhịp tim gây nên do calci clorid, làm giảm số chuột chế và chuột bị rung tâm thất. Lá sen cũng có tác dụng chống loạn nhịp tim gây nên do bari clorid và kích thích điện.

Cơ chế chống loạn nhịp tim của lá sen là do làm tăng ngưỡng kích thích tâm trương và tăng giai đoạn trơ của cơ tâm nhĩ và tâm thất. LD50 của lá sen tiêm phúc mạc trên chuột nhắt trắng là 17g/kg thể trọng. Alcaloid toàn phần của lá sen có tác dụng ức chế loạn nhịp tim thực nghiệm, tác dụng này của alcaloid lá sen có phần tốt hơn ajmazin.

2.2. Giảm mỡ máu, chữa gan nhiễm mỡ

Một trong những tác dụng của lá sen đang rất được quan tâm hiện nay là tác dụng hạ mỡ máu, chống béo phì. Flavonoid ở dịch chiết lá sen có tác dụng ngăn ngừa mỡ máu, hỗ trợ chữa trị gan nhiễm mỡ, giảm nhẹ tác hại đến gan khi ăn chế độ béo, tương tự như các thuốc hay dùng như sillymarin và simvastatin.

Các nghiên cứu về lá sen trong việc giảm mỡ máu và lượng mỡ có trong gan vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu trên nhiều loại mô hình động vật, điển hình là trên chuột. Cụ thể là những con chuột này được cho dùng chế độ ăn nhiều chất béo chứa 1,5% cholesterol và 1% axit cholic.

Sau đó, chúng được cho điều trị bằng chiết xuất từ lá sen khô và thu được kết quả là lượng cholesterol toàn phần trong huyết thanh và gan, cholesterol tự do và phospholipids so với nhóm đối chứng chứa nhiều chất béo giảm mạnh.

Ngoài ra, chiết xuất từ lá sen khô này còn làm giảm tổn thương gan do lượng lipid nhiều gây ra.

2.3. Lá sen giảm béo bụng

Theo kết quả nghiên cứu, chiết xuất ethanol 50% của lá cây sen có tác dụng kích thích quá trình phân giải lipid trong mô mỡ ở chuột. Phân tích sắc ký của dịch chiết cho thấy các phytomolecules chịu trách nhiệm cho hoạt động phân giải lipid bao gồm:

  • Quercetin-3-O-a-arabinopyranosyl- (1 → 2) -β-galactopyranoside.
  • Catechin.
  • Hyperoside.
  • Isoquercitrin.
  • Astragalin

Để nghiên cứu về tác dụng giảm cân của lá sen, Ono và các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm sử dụng chiết xuất từ lá sen cho những chuột bị béo phì bởi chế độ ăn có nhiều chất béo. Và kết quả chính là chiết xuất từ lá sen có tác dụng đến các enzyme tiêu hóa, chuyển hóa lipid.

Các kết quả cho thấy sự ức chế của chiết xuất phụ thuộc nồng độ các enzyme α-amylase, lipase, sự chuyển hóa lipid được điều hòa và biểu hiện của protein-3 mRNA trong C2C12 (dòng tế bào myoblast của chuột).

Lá sen có tác dụng giảm cân, giảm mỡ máu

Lá sen có tác dụng giảm cân, giảm mỡ máu

2.5. Các công dụng và tác dụng khác

- Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới gần đây cho thấy thành phần trong dịch chiết lá sen còn có nhiều hoạt tính dược lí khác như viêm gan, chống oxy hóa, chống ung thư, kháng HIV.

- Lá sen chữa chảy máu (đại tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da). Ngày dùng 15 – 20 g dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

- Ở Trung Quốc, lá sen chủ trị tức ngực có nóng sốt, tiểu tiện ít, đỏ, ho ra máu, kinh nguyệt nhiều. Dùng ngoài chữa dị ứng. Liều dùng hàng ngày: lá sen tươi ¼ - ½ lá, khô 4 -12 g, sắc nước uống.

- Ngoài ra, lá sen khô còn dùng làm thuốc an thần, gây ngủ:

  • Cao mềm lá sen: 0.03 g.
  • Cồn 45°: 20 ml
  • Siro vđ: 1000 ml

Liều dùng một ngày trước khi ngủ : người lớn 15 ml, trẻ em 5 ml

- Không những vậy, lá sen còn có thể chữa sốt xuất huyết: lá sen, ngó sen (hoặc cỏ nhọ nồi), rau má, mỗi vị 30g, bông mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40 – 50g. Sắc uống ngày một thang.

- Chữa chảy máu não và các biến chứng kèm theo ở bệnh nhân tăng huyết áp:

Lá sen, cam thảo, mỗi vị 15.5 g; đỗ trọng 12.5 g, sinh địa, mạch môn, tang ký sinh, bạch thược, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang có tác dụng làm giảm huyết áp, chức năng nói và cử động các chi được cải thiện.

4. Uống nước lá sen có tác dụng phụ không?

Bên cạnh những tác dụng và công dụng có lợi của lá sen, thì các bạn cũng cần rất cẩn thận khi dùng nước lá sen vì chúng có thể gây nhiều tác dụng phụ ở những đối tượng như sau:

  • Phụ nữ đang đến “ngày đèn đỏ”, bị hành kinh, phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Người thể hàn nếu sử dụng lâu dài thì có thể dẫn tới giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, sức khỏe suy kiệt, giảm ham muốn tình dùng.

Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức về lá sen: đặc điểm hình thái, tác dụng và công dụng, những lưu ý về tác dụng phụ của lá sen. Chúc bạn có nhiều niềm vui trong cuộc sống và thành công.

Xếp hạng: 5 (2 bình chọn)

Viết bình luận