Hiểu sâu sắc về tác dụng của Saponin đối với sức khỏe con người

Saponin là một hoạt chát được tìm thấy trong nhiều loài thực vật và động vật thân mềm như Hải sâm, Sao biển. Kể từ phát hiện ra Saponin đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng hoạt chất này và đã khám phá những điểm rất thú vị. Và nếu bạn đang quan tâm tới tác dụng của Saponin đối với sức khỏe con người thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé.

1. Saponin ức chế sự phát triển của tế bào ung thư

Một số nghiên cứu tiến hành trên in vitro và in vivo về đặc tính hỗ trợ chống ung thư của saponin. Kết quả các nghiên cứu in vivo đã công bố rằng nhân sâm (có chứa 2 – 4% saponin) có khả năng ức chế sự phát triển của các loại khối u khác nhau.

Bên cạnh đó, 2 nhà khoa học Trung Quốc là Rao và Sung đã quan sát thấy rằng saponin chiết xuất từ đậu nành đã ức chế sự phát triển của tế bào ung thư biểu mô đại tràng [1].

Nhận thấy lợi ích chống ung thư của saponin nên nhiều nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục đi sâu vào tìm hiểu cơ chế chống ung thư của saponin. Một số cơ chế được đề xuất về đặc tính chống ung thư của saponin như:

  • Tác dụng gây độc trực tiếp tế bào ung thư.
  • Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể người bệnh.
  • Điều hòa sự tăng sinh của tế bào trong cơ thể.

Một số saponin có tác dụng cụ thể chống ung thư đó chính là: acid betulinic, acid ursolic, acid oleanolic…

Saponin ức chế sự phát triển của tế bào ung thư

Saponin ức chế sự phát triển của tế bào ung thư

2. Làm giảm mỡ máu

Thí nghiệm trên động vật và người, saponin đã được chứng minh là làm giảm nồng độ cholesterol có trong huyết tương ở chuột, thỏ và khỉ. Ở thỏ, chế độ ăn có chứa 1.0 – 1.2% saponin cho thấy làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết tương và gan.

Hơn thế nữa, nhiều nhà khoa học cũng kết luận rằng với nồng độ cao của saponin có tác dụng ức chế sự hấp thu cholesterol cho cơ thể.

Tác dụng tương tự của saponin có nguồn gốc từ đậu nành cũng đã được chứng minh trên chuột và có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol có trong máu và gan ở chuột.

Không những vậy, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng có ít nhất 10 saponin triterpenoid có trong đậu nành có tác dụng giảm cholesterol.

Cơ chế của saponin trong việc giảm mỡ máu được giải thích là do các loại axit mật được hấp thụ bởi saponin. Nhờ đó, làm giảm bài tiết axit mật qua phân, sau đó được thay thế bằng sự tăng chuyển cholesterol thành axit mật của gan.

Bên cạnh đó, một số saponin còn tương tác trực tiếp với cholesterol để tạo thành phức hợp cholesterol – saponin, từ đó ức chế sự hấp thụ cholesterol từ ruột non.

Tuy nhiên, tác dụng của saponin đối với lipid huyết thanh còn phụ thuộc vào nguồn protein trong chế độ ăn uống của từng người. [1]

Không những vậy, nhiều dẫn chất (tự nhiên hay bán tổng hợp) của các sapogenin steroid như tigogenin, diosgenin, hecogenin đã được chứng minh có tác dụng hạ cholesterol máu và chống xơ vữa động mạch, có chất còn tốt hơn cả cholesteramin.

Saponin có tác dụng làm giảm mỡ máu

Saponin có tác dụng làm giảm mỡ máu

3. Bảo vệ gan

Acid ursolic và oleanolic – 2 chất thuộc nhóm saponin có tác dụng bảo vệ gan chống lại các tác nhân gây tổn thương gan. Acid oleanolic đã bảo chế tại Trung Quốc làm thuốc chống các rối loạn ở gan dưới dạng viên uống.

Cơ chế bảo vệ gan của saponin có thể là do ức chế sự hoạt hóa chất gây độc cho gan và tăng cường chức năng bảo vệ cơ thể.

Saponin bảo vệ gan

Saponin bảo vệ gan

4. Kháng khuẩn, kháng nấm

Năm 2012, các nhà khoa học Hazem và các cộng sự đã báo cáo rằng saponin được chiết xuất từ phần trên mặt đất của loài Achillea Fragrantissima có tác dụng chống lại nhiều loại nấm như Aspergillus, Fusarium và Rhizopus.

Bên cạnh đó, vào năm 2016 các nhà khoa học đã phát hiện ra khả năng kháng nấm của saponin C-27 giúp chống lại một số loại nấm như: Candida albicans, C.glabrata, C. krusei, Cryptococcus neoformans và Aspergillus fumigatus.

Saponin có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm hiệu quả

Saponin có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm hiệu quả

5. Chống viêm

Patel và các cộng sự vào năm 2012 đã nghiên cứu khả năng chống viêm của saponin được phân lập từ lá cây củ cải đỏ. Theo kết quả của họ, saponin cho thấy khả năng chống viêm mạnh đối với tình trạng viêm cấp tính và mãn tính trên mô hình thí nghiệm.

Các nhà khoa học này đã chứng minh rằng các cơ chế hoạt động chống viêm của saponin có thể liên quan tới sự ức chế của prostaglandin và histamine.

Ngoài ra vào năm 2013, Yassin và các cộng sự đã phát hiện ra hoạt động chống viêm của saponin từ chiết xuất methanol của phần quả của loài Gleditsia caspica. Và họ đã được quan sát thấy rằng saponin có thể ức chế đáng kể sự tiến triển của viêm trong điều trị. Sau đó, các nhà khoa học đã chứng minh rằng tác dụng ức chế của saponin có thể là do sự ức chế enzyme cyclo-oxyase và sự ức chế tổng hợp prostaglandin.

Một số saponin có tác dụng chống viêm như glycyrrhizin trong Cam thảo, các saponin trong Ngưu tất…

6. Một số tác dụng và công dụng khác

Saponin có tác dụng long đờm, saponin là hoạt chất chính trong các dược liệu chữa ho như Viễn chí, Cát cánh, Cam thảo, Thiên môn, Mạch môn…

Một số dược liệu chứa saponin có tác dụng thông tiểu như Rau má, Tỳ giải, Thiên môn, Mạch môn. Trên chuột cống cho thấy acid oleanolic và acid ursolic có tác dụng lợi tiểu – thải trừ natri, có lợi trong việc ngừa huyết áp cao.

Saponin có trong một số cây thuộc họ Nhân sâm có tác dụng bổ tăng lực ví dụ như Nhân sâm, Tam thất và một số loài khác.

Bên cạnh đó, Saponin còn có tác dụng làm tăng tính thấm của tế bào, sự có mặt của saponin sẽ làm cho các hoạt chất khác dễ hòa tan và hấp thu. Ví dụ như trường hợp digitonin trong lá Digitalis. Một số saponin được dùng làm chất tăng tính thấm trong vaccin.

Asiaticosid có trong Rau má có tác dụng làm thuốc chóng lên sẹo các vết mổ, vết thương, chữa loét, bỏng, eczema. Một số saponin thuộc cả triterpen và steroid có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus.

Nhiều saponin triterpenoid có tác dụng hạ đường huyết đã được chứng minh trên thực nghiệm. Acid oleanolic và acid ursolic cũng có tác dụng này.

Ruscogenin, sapogenin steroid chiết từ thân rễ cây Ruscus aculeatus có tác dụng làm bền vững tĩnh mạch, bảo vệ thành mạch (Trích bài giảng Dược liệu - Bộ Y tế).

Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng của saponin. Chúc bạn sẽ có kiến thức sâu sắc hơn về hoạt chất này.

Xếp hạng: 4 (12 bình chọn)