Tổng quan về cây thông đất

Cây thông đất là một trong những loại cây đang được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu bởi những tác dụng, công dụng tiềm ẩn cho sức khỏe con người. Mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu những thông tin chi tiết của loài cây này.

1. Cây thông đất là cây gì?

Theo các nhà nghiên cứu, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 10 loài cây thông đất. Các loài thông đất này cùng thuộc một họ thực vật thuộc lớp lớp Lycopodiopsida (bộ Lycopodiales). Chúng thường có đặc điểm chung là mang bào tử trong  một cấu trúc chuyên biệt hóa ở đỉnh của thân cây, trông tương tự như một cái chùy nhỏ, không ra hoa cũng không sinh ra hạt.

Trong đó, chi Huperzia là chi lớn nhất trong họ Thông đất, những loài thuộc chi Huperzia có ở nước ta có đặc điểm như sau.

Huperzia cancellata (Spring) Trevis

Tên Việt Nam thường gọi là thạch tùng bôi

Đặc điểm hình thái: Cây thảo, dài đến 40 cm, đường kính của thân khoảng 2 mm và được bao phủ bởi lá. Lá mập, dài, nhọn và dài 3 – 4 mm, rộng 0.75 mm. Chùy ở chốt nhánh, hẹp hơn phần không thụ, với bào tử diệp dài khoảng 1.5 mm. Bào tử nang tròn 2 mảnh như nhau.

Đặc điểm sinh thái: Cây ưa ẩm và chịu bóng, mọc bám trên cây gỗ trong rừng rậm thường xanh, phân bố trên vùng núi ở Lào Cai (Sapa)

Huperzia squarrosa (Forst.) Trevis

Tên đồng nghĩa: Lycopodium squarrosum (Forst.) Trevis.

Tên Việt Nam: râu rồng, thạch tùng vảy, thông đất nhám.

Mô tả: Cây thảo phụ sinh, thân vòng thường mập, hình trụ, mọc đứng ở phần gốc, sau gập thõng xuống dài 30 -70 cm, dài 50 – 60 cm, 1-2 lần lưỡng phân, to 4 -5 mm. Lá hẹp, nhọn, xếp xoắn ốc hình dải – ngọn giáo, tỏa rộng ra, không cuống, mép nguyên, lá ở đỉnh thì ngắn hơn lá ở gốc.

Bào tử diệp không khác lá thường, chỉ hơi nhỏ hơn. Bào tử nang hình thận, nở thành 2 mảnh không bằng nhau.

Bộ phận sinh sản ở ngọn thân thành bông không phân nhánh, dài khoảng 10 cm, lá bào tử giống lá thật, nhưng ngắn hơn, thẳng, nhọn và hơi phình ở gốc. Túi bào tử hình thận, có 2 mảnh vỏ bằng nhau.

Loài cây này thường mọc ở thân cây, đá ẩm, vùng núi. Cây thường bám trên vách đá hoặc trên thân, cành của những cây gỗ lớn trong rừng kín thường xanh ẩm còn nguyên sinh hoặc tương đối nguyên sinh. Quá trình sinh sản bằng bao tử thường diễn ra dưới nước (chủ yếu trong nước mưa). Cây cũng có khả năng mọc chồi nhanh sau khi bị cắt hoặc bị gãy. Hiện nay, râu rồng được xếp vào nhóm cây bị đe dọa vì tình trạng trồng làm cảnh khác với môi trường sống của chúng.

Huperzia chinense (Christ.) Ching

Tên đồng nghĩa: Lycopodium chinense (Christ.) Ching

Tên Việt Nam: Thạch tùng nhiều bông.

Mô tả: Cây thảo ở đất, thành bụi nhỏ cao 10 – 15 cm, thân to 1 – 1.5 mm, hình trụ. Lá nhiều, mọc vòng, hẹp dài 4 – 7 mm, rộng 1 mm, nhọn, mép uốn xuống, gắn đứng vào thân. Túi bào tử ở nách lá gần nhọn, hình thận, mở thành 2 mảnh bằng nhau

Cây ưa nơi có ít ánh sáng, mọc trên đất có nhiều mùn ở ven rừng rậm thường xanh, trong đó có rừng mây mù, ở độ cao 1500 – 1800 m.

Huperzia hamiltonii (Spring) Trevis

Tên đồng nghĩa: Lycopodium hamiltonii (Spring) Trevis.

Tên Việt Nam: Thạch tùng Hamilton.

Cây thảo phụ sinh, thân đứng hoặc thõng, dài đến 50 cm, chia nhánh lưỡng phân, to khoảng 1.5 mm. Lá hẹp, dài 6 – 15 mm, rộng 3 – 5 mm, bào tử diệp có hình dạng giống với lá thường nhưng nhỏ hơn. Túi bào tử nang hình thận, mở thành 2 mảnh bằng nhau.

Cây ưa ẩm và ưa bóng, sống bám chủ yếu trên cây gỗ, đôi khi trên các tảng đá ẩm có nhiều riêu và mùn trong rừng rậm thường xanh, ở độ cao 700 – 1500 m.

Ngoài ra, tại Việt Nam còn có một số loài thông đất như:

Huperzia subdisticha Mak, tên Việt Nam là thạch tùng song đính, phân bố ở Tam Đảo

Huperzia obovalifolia Bon, tên Việt Nam là thạch tùng xoan ngược, mọc ở vùng núi cao Quảng Trị, Nha Trang, Đà Lạt

Huperzia phlagmaria (L.) Rothm, tên Việt Nam là thạch tùng đuôi ngựa, râu cây, mã vĩ sam, mọc nhiều ở vùng núi thấp ở Trung Bộ tới Đà Nẵng, Kiên Giang.

Huperzia salvinoides (Herter) Alston, tên Việt Nam là thạch tùng bèo, phân bố ở rừng già trung du phía bắc.

Huperzia serata (Thunb.) Trevis, tên Việt Nam là thạch tùng răng, Chân sói, phân bố ở vùng trung du và vùng núi cao ở Tây Nguyên, Tây Bắc và miền Trung.

Huperzia carinata (Desv. Ex Poir) Trevis, tên Việt Nam là thạch tùng sóng, thạch tùng lá dúi, mọc ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa.

2. Thành phần hóa học có trong các loài Thông đất

Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học tiến hành nghiên cứu về thành phần hóa học có trong cây thông đất. Những hợp chất được phân lập từ cây thông đất rất đa dạng và thuộc vào các nhóm chính như alcaloid, triterpenoid, flavonoid, glycosid, tanin. Trong đó, alcaloid là thành phần hóa học chiếm ưu thế.

Nhóm hợp chất alcaloid

Kể từ khi huperzin A, một chất ức chế acetylcholinesterase thuận nghịch và là một trong những hoạt chất đầy tiềm năng các triệu chứng của bệnh Alzheimer dược phát hiện từ loài thạch tùng răng cưa thì các nhà khoa học càng nỗ lực hơn nữa trong việc tìm tòi thêm các alcaloid khác từ Huperrzia serrata và các cây trong chi Huperzia Bernh.

Lycopodin alcaloid

Đây là nhóm hoạt chất có số lượng lớn nhất và xuất hiện phổ biến nhất trong số các lycopodium alcaloid đã biết. Nhóm này có cấu trúc hóa học được đặc trưng bởi bốn vòng 6 cạnh liên kết với nhau, vòng A và C tạo thành hệ thống vòng quinolizidine, liên kết C=C có thể tồn tại ở vị trí C-11 và C-8.

Các vị trí C-5, C-6, C-8, C-10 và C-12 thường bị oxy hóa thành nhóm carbonyl và hydroxyl hoặc bị este hóa bởi acid acetic và acid dihydroferulic. Nhóm carbonyl trong vòng B thường ở vị trí C-5, tuy nhiên nó có thể ở vị trí C-6.

Ngoài ra, nguyên tử nitơ có thể bị oxy hóa thành N-oxid, chẳng hạn như trong lycopodin N-oxid và 15-α-methyl lycopodin-5β, 6β-diol N-oxid, Annotin và annotinin là lycopodin alcaloid đặc biệt, trong đó C-8 bị oxy hóa thành acid carboxylic để tạo vòng lacton với C-5.

Với annotin thì liên kết C-8 đã bị phá vỡ và C-12 liên kết với C-15, trong khi đó trong cấu trúc của annotinin, liên kết C-7 đã bị chia cắt và C-7 gắn với C-15.

Lycodin alcaloid

Nhóm này cũng có bốn vòng, trong đó vòng B, C, D tương tự như lycopodin alcaloid, riêng vòng A có biến đổi tạo thành vòng pyridin hoặc pyridon. Huperzin A, huperzinin là những sản phẩm của việc tách chiết liên kết N-C-9 và loại bỏ C-9, cho một khung C15N2 với ba vòng. Carinatin A có cấu trúc đặc biệt, trong đó liên kết C-4 đã bị phá vỡ, C-4 liên kết với C-12 tạo thành một hệ thống vòng 5/6/6/6 mới.

3. Cây thông đất có tác dụng gì và chữa bệnh gì?

Các loài thông đất có ở Việt Nam cũng như các nước nhiệt đới khác có nhiều tác dụng sinh học và công dụng đã được công bố. Chúng đang được đánh giá là loại cây thuốc quan trọng trong việc điều trị nhiều bệnh của con người. Dưới đây là một số tác dụng sinh học và công dụng của cây thông đất.

3.1. Tác dụng sinh học của thông đất

Tác dụng ức chế enzyme acetylcholinesterase (AchE)

Trong các lycopodium alcaloid thì nhóm lycodin có hoạt tính ức chế AchE, trong khi các alcaloid khác thì hoạt tính này thường yếu hoặc không có tác dụng. Các hợp chất có hoạt tính ức chế AchE tồn tại trong các loài thuộc chi Huperzia Bernh. đã được chứng minh, huperzin A có hoạt tính mạnh và là hợp chất được nghiên cứu nhiều nhất.

Huperzin A lần đầu tiê được phân lập từ loài Huperzia serrata (Thumb.) Trevis bởi Liu J.S và các cộng sự (1986). So với các loại thuốc dược phẩm tacrine, donepezil, rivastigmine và galantamine thì huperzin A và chất bán tổng hợp của nó là ZT-1 có tác dụng ức chế AchE tốt hơn, thời gian tác dụng dài, sinh khả dụng cao hơn và ít độc hại hơn.

N-methylhuperzin B huperzinin phân lập từ Huperzia serata cũng được xác định là chất có tác dụng wcsh chế AchE.

Tác dụng chữa trị bệnh Alzheimer

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học đã bào chế loại thuốc có thể điều trị triệu chứng Alzheimer với thành phần có chứa Huperzin A, được chiết xuất từ loài thông đất Huperzia serrata

Theo các nghiên cứu, huperzin A có khả năng đi qua hàng rào máu não, có tác động tích cực trong việc ngăn chặn sự suy giảm trí nhớ của người cao tuổi và người bệnh mắc Alzheimer.

Hoạt chất Huperzin A cũng được Cục quản thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ - FDA cho phép trong việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên thị trường Mỹ và dùng dưới dạng viên nén hoặc viên nang (200-400µg/ngày) để giúp hỗ trợ điều trị suy giảm trí nhớ.

Tác dụng kháng khuẩn

Những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Ấn Độ cho thấy dịch chiết của một số loài thông đất cho thấy khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ với một số chủng vi khuẩn như:

  • Trực khuẩn mủ xanh.
  • Tụ cầu vàng.
  • Trực khuẩn cỏ khô.
  • Vi khuẩn gram dương Bacillus cereus

3.2. Công dụng của cây thông đất

Tại Trung Quốc, người ta đã sử dụng cây thông đất để cải thiện triệu chứng của cá bệnh có liên quan tới tim mạch, hệ thống thần kinh cơ, hoặc các triệu chứng có liên quan đến cholinesterase bao gồm:

  • Sốt.
  • Xuất huyết.
  • Căng thẳng.
  • Tiểu ra máu.
  • Tâm thất phân liệt.

Không những vậy, thông đất cũng được sử dụng như một chất vhoongs viêm và cũng là thuốc giải độc cho ngộ độc phospho hữu cơ.

Điều đặc biệt là các loài thông đất như Huperzia serra (Thunb. Ex Murray) Trevis, Huperzia squarrosa (Forst.) Trevis, Huperzia phlegmaria (L.) Rothm, được dùng làm thuốc trị đau họng, thủy thũng, đòn ngã tổn thương.

Loài thông đất Huperzia hamiltonii (Spring) Trevis được dùng trị sốt cao, đau đầu, ho, ỉa chảy, chấn thương và rắn cắn.

Tại Ấn Độ, thong đất còn được trộn với mật ong làm thuốc bổ cho phụ nữ ngoài 40 tuổi hoặc trộn với tam thất cùng tỷ lệ để tăng cường sinh lý, hoặc bột của cây phơi khô dùng làm thực phẩm bổ sung có tác dụng tăng cường trí nhớ, điều trị chứng mất ngủ.

Tại Việt Nam, loài thông đất Huperzia Bernh. đã được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian làm thuốc. Cụ thể thạch tùng răng cưa chữa đòn ngã tổn thương, các vết thâm tím và sưng đau, nôn ra máu, đái ra máu, trĩ chảy máu, mụn nhọt.

Không những vậy râu rồng (Huperzia squarrosa Trevis) được sử dụng cả cây trong điều trị ngoại thương xuất huyết, đòn ngã tổn thương. Bào tử loài Huperzia carinata (thạch tùng sóng) được dùng làm thuốc chữa hãm kẽ ở da trẻ em và các bệnh ngoài da khác. Ngoài ra, cây có các công dụng như sau:

  • Giã với rượu đắp mụn nhọt ở cằm.
  • Chấn thương, xuất huyết chảy máu.

Hy vọng rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp bạn nắm rõ hơn về các đặc điểm của cây thông đất: đặc điểm phân bố, thành phần hóa học, tác dụng gì, chữa bệnh gì.

Xếp hạng: 4 (2 bình chọn)