Dầu cám gạo – chắt lọc những giá trị tinh tế nhất từ hạt gạo

Dầu cám gạo (Rice Bran Oil) là loại dầu ăn đang trở nên ngày càng phổ biến trong các loại dầu ăn được sử dụng truyền thống khác vì chất lượng nấu tốt hơn, thời gian bảo quản kéo dài và có sự cân bằng giữa các thành phần như các loại acid béo tốt cho sức khỏe và nhiều thành phần chống oxy hóa khác. Để giúp các bạn biết nhiều hơn về loại dầu này, chúng tôi xin được cung cấp thông tin dưới đây.

1. Dầu cám gạo là gì?

Gạo là một trong những loại ngũ cốc được tiêu thụ rộng rãi và phổ biến nhất, được coi là thực phẩm chính cho hơn 50% dân số thế giới. Trong đó, có hơn 90% gạo thế giới được tiêu thụ ở châu Á.

Lớp vỏ ngoài của hạt gạo trước khi xát gạo được gọi là cám gạo. Từ cám gạo này, các nhà sản xuất có thể chiết xuất thành dầu cám gạo. Tuy nhiên để sản xuất dầu cám gạo có thể ăn được và dùng ngoài da, chúng ta cần tinh chế để đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định khác.

Dầu cám gạo có màu vàng nhạt, không mùi, có vị ngọt nhẹ. Loại dầu thực vật này là nguồn cung cấp tốt các acid béo không bão hòa. Trong dầu cám gạo có chứa 38.4% oleic acid, 34.4% linoleic acid và 2.2% α-linolenic acid. Ngoài ra, các acid béo bão hòa có trong dầu cám gạo đó là 2.9% acid stearic và  21.5% acid palmitic.

Mặc dù dầu cám gạo chỉ chứa một lượng nhỏ acid α-linolenic nhưng vẫn đủ để tổng hợp các acid béo không bão hòa khác như acid eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA).

Tuy nhiên, lượng các loại acid béo có trong dầu cám gạo có thể thay đổi theo quy trình chiết xuất (chiết lạnh hoặc nóng). Do vậy, các loại dầu cám gạo được sản xuất từ các nhà bào chế khác nhau sẽ khác nhau về hàm lượng các acid béo và một số thành phần có hoạt tính sinh học khác.

Dầu cám gạo được coi là loại dầu ăn hoàn hảo để xào hoặc chiên vì mất ít thời gian hơn để thức ăn chín và cũng có thể tiết kiệm nhiều năng lượng đốt cháy hơn (điện, gas). Thực phẩm được chế biến bằng dầu cám gạo thường có hương vị rất hấp dẫn và người thưởng thức chúng thường cảm nhận thấy ít dầu hơn trong khi ăn.

Hơn thế nữa, dầu cám gạo cũng là loại dầu có tính ổn định cao, ít bị biến chất trong quá trình bảo quản. Bởi các thành phần trong dầu cám gạo có chứa các thành phần có hoạt tính sinh học khác nhau và vitamin E, là các chất chống oxy hóa và bảo vệ dầu cám gạo khỏi quá trình phân hủy, tránh sự tác động của nhiệt độ cao của môi trường bên ngoài.

 

Dầu cám gạo

Dầu cám gạo có nhiều tính chất đặc biệt

2. Các tác dụng của dầu cám gạo đối với sức khỏe con người

Dầu cám gạo thường được sử dụng nhiều trong các bữa cơm hàng ngày của người châu Á. Ở Nhật Bản, dầu cám gạo được mệnh danh là loại dầu lành mạnh, còn ở những nước phương Tây, loại dầu thực vật này nằm trong danh sách các loại thực phẩm lành mạnh.

Và loại dầu này cũng đang dần trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới bởi những lợi ích về sức khỏe mà chúng đem tới.

2.1. Tác dụng chống tăng lipid máu và làm giảm cholesterol máu

Theo kết quả từ nhiều nghiên cứu rằng dầu cám gạo đã làm giảm cholesterol toàn phần trong huyết tương, triglyceride (TG), giảm loại cholesterol không tốt cho cơ thể LDL (low-density lipoprotein) và tăng nồng độ cholesterol tốt cho cơ thể HDL ở người.

Cơ chế tác dụng của dầu cám đối với quá trình chuyển hóa lipid hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Một số giả thuyết cho rằng tác dụng giảm cholesterol máu của dầu cám gạo là do tác động của các thành phần có trong loại dầu này như triterpene alcohols, phytosterol, γ- oryzanol và tocotrienols.

Dầu cám gạo giúp giảm mỡ máu

Dầu cám gạo giúp giảm mỡ máu

2.2. Cải thiện chức năng hệ tim mạch

Theo các nghiên cứu, sử dụng dầu cám gạo có thể giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch nhờ các cơ chế giảm huyết áp, tăng độ nhạy cảm của tế bào đối với insulin.

2.3. Ức chế sự phát triển tế bào ung thư

Tocotrienols, một nhóm chất chống oxy hóa trong dầu cám gạo có thể có tác dụng chống ung thư. Các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật chỉ ra rằng tocotrienols ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư khác nhau, bao gồm cả các tế bào vú, phổi, buồng trứng, gan, não và tuyến tụy.

Không những vậy, trong một nghiên cứu ống nghiệm đã cho thấy tocotrienols từ dầu cám gạo có tác dụng bảo vệ tế bào người và động vật tiếp xúc với bức xạ ion hóa với mức độ cao, mức độ có thể gây ra các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như ung thư.

2.4. Có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm

Một số hợp chất trong dầu cám gạo có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.

Một trong những hợp chất này là oryzanol, được chứng minh là có khả năng ức chế một số enzyme thúc đẩy quá trình viêm. Hợp chất này có thể tác động tới các mục tiêu viêm trong mạch máu và màng tim của con người. Nếu không được điều trị kịp, tình trạng viêm này có thể dẫn tới hàng loạt biến chứng như xơ vữa động mạch, xơ cứng, hẹp động mạch và rất nhiều bệnh liên quan tới tim mạch.

Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tuần, 59 người mắc bệnh mỡ máu cao được chia thành 2 nhóm. Một nhóm đã uống 2 muỗng canh (30 ml) dầu cám gạo và nhóm còn lại đã sử dụng dầu đậu nành. Kết quả cho thấy rằng so với dầu đậu nành, dầu cám gạo có thể làm tăng đáng kể khả năng chống oxy hóa của con người, giúp chống lại stress oxy hóa.

2.5. Tăng cường hệ miễn dịch

Theo các chuyên gia nghiên cứu thì dầu cám gạo có thể cải thiện phản ứng miễn dịch của cơ thể con người, đây được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp chống lại vi khuẩn, vi rút và các sinh vật gây bệnh khác.

Một nghiên cứu ống nghiệm trong các tế bào chuột đã tiết lộ rằng một chiết xuất giàu oryzanol từ dầu cám gạo giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch.

2.6. Tác dụng hạ đường huyết và trị tiểu đường

Hoạt chất tocotrienols có trong dầu cám gạo đã được chứng minh là có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa và làm giảm nồng độ đường. Cơ chế chính là do Tocotrienols đã làm giảm nồng độ

Bên cạnh đó, người ta cũng đề xuất rằng γ-oryzanol có thể đóng một vai trò hiệu quả trong phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. Người ta đã chứng minh rằng γ-oryzanol có thể điều chỉnh sự bài tiết insulin và đường huyết bằng cách kiểm soát các hoạt động của men gan và do đó có thể làm giảm nguy cơ tăng đường huyết gây ra bởi chế độ ăn nhiều chất béo.

Năm 2012, nhà nghiên cứu Ghatak và Panchal đã nghiên cứu khả năng hạ đường huyết ở những chuột bị tiểu đường có nồng độ glucose huyết thanh từ 340 – 400 mg/dl. Và họ đã quan sát thấy sự giảm nồng độ glucose trong huyết thanh của chuột trong vòng 2 đến 4 giờ sau khi dùng oryzanol với liều 50 và 100 mg/kg.

Hơn thế nữa, các thành phần có hoạt tính sinh học và chất chống oxy hóa có trong dầu cám gạo, acid oleic và acid linoleic liên hợp (CLA) có thể giúp tăng tốc độ trao đổi chất, điều chỉnh đường huyết và lipid máu, giảm viêm, giảm cân và kiểm soát béo phì.

Chính vì lý do này mà Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo rằng để cải thiện tình trạng mỡ máu cao và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim, bệnh nhân tiểu đường nên tiêu thụ những loại dầu thực vật có chứa lượng acid oleic cao

Hơn thế nữa, các polyphenol, tocotrienols và γ-oryzanol có trong dầu cám gạo có thể giúp giảm bớt rối loạn chức năng nội mô và sau đó làm giảm tình trạng kháng insulin. Kháng insulin dẫn đến những bất thường trong chuyển hóa lipid và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người bệnh tiểu đường.

Một trong những cơ chế của bệnh học tiểu đường là tăng chu trình chết rụng tự nhiên apoptosis của các tế bào tiết insulin. Dầu cám gạo đã được chứng minh là gián tiếp ức chế sự bất hoạt caspase và do đó có thể dẫn đến ức chế apoptosis tế bào, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Dầu cám gạo giúp hạ đường huyết

Dầu cám gạo giúp hạ đường huyết

 

3. Dầu cám gạo mua ở đâu?

Với nhiều tác dụng và công dụng có lợi cho sức khỏe như vậy, chắc hẳn bạn sẽ muốn tìm mua loại dầu thực vật này để dùng trong chế biến món ăn hoặc làm đẹp.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu sản phẩm dầu cám gạo tới từ nhiều sản xuất khác nhau với nhiều mức giá khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu các sản phẩm này và mua chúng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng uy tín, đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi mua, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các tiêu chí có thể giúp bạn có thể lựa chọn sản phẩm có chất lượng bao gồm: tên nhà sản xuất, thành phần có trong sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng…

Xếp hạng: 3.3 (3 bình chọn)