Xuyên tâm liên – vị thuốc quý trong y học cổ truyền

Ngỡ tưởng chỉ là một loại cây bình thường, mọc ở những làng quê Việt Nam nhưng xuyên tâm liên lại là một trong những cây thuốc quý được sử dụng rất nhiều trong dân gian. Mời bạn cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu về loại cây này: Xuyên tâm liên có tác dụng gì? Công dụng của loại cây này như thế nào?

1. Đặc điểm thực vật và phân bố

Xuyên tâm liên là cây nhỏ, sống hàng năm, cao 0.4 – 1m. Thân vuông, mọc thẳng đứng, phân nhiều cành nhẵn. Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình mác, dài 3 – 10 cm, rộng 1 – 2 cm, gốc thuôn, đầu nhọn dài, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm đen.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành chùm thư, hoa màu trắng, điểm những đốm hồng tím, dài có 5 răng nhỏ, đều và có lông. Tràng hợp ở phần dưới thành ống hẹp, hình trụ có lông, phần trên loe ra chia thành 2 môi, môi trên hẹp dài, môi dưới xẻ 3 thùy rộng, đầu nhọn. Nhị 2, đính ở họng tràng, bầu 2 ô.

Quả nang, hẹp, thuôn dài khoảng 1.5 cm, hơi có lông mịn, hạt hình tròn.

Mùa hoa: tháng 9 – 12, mùa quả: tháng 1 – 2.

Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau lan sang các nước nhiệt đới như Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Philipin, Indonexia và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ là những nước trồng nhiều xuyên tâm liên nhất ở châu Á.

Vào những năm 80, cây được trồng ở nhiều địa phương ở miền Bắc Việt Nam, sau đó giảm xuống, gần đây lại tiếp tục được khôi phục, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc.

Xuyên tâm liên mọc từ hạt vào khoảng tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Cây sinh trưởng nhanh trong mùa xuân – hè. Khi cây sắp ra hoa, lá nhỏ dần và rụng sớm. Quả xuyên tâm liên lúc già tự mở cho hạt thoát ra ngoài.

Xuyên tâm liên là cây ưa sáng hoặc có thể bị che bóng một phần trong ngày. Cây ưa mọc trên đất ẩm, khi mưa không bị đọng nước. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng là 22 - 26°C, lượng mưa khoảng 1500 – 2500 mm/năm.

Hoa xuyên tâm liên nở từ các cành từ phía dưới trước, sau dần lên các cành ở ngọn. Ngược lại, khi cây vàng úa và tàn lụi lại bắt đầu từ các cành ở ngọn trước. Hạt xuyên tâm liên có tỷ lệ nảy mầm khá cao (khoảng 70 -80%). Thời gian nảy mầm thường sau 7 ngày kể từ ngày gieo.

Chú ý khi thu quả để lấy hạt giống cần tiến hành khi cây bắt đầu vàng úa (lá chuyển sang màu đỏ - vàng), nếu thu hái chậm, quả khô dễ tách ra rơi mất hạt.

 

xuyên tâm liên

Đặc điểm thực vật của xuyên tâm liên

2. Thành phần hóa học

Xuyên tâm liên có chứa 2 nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và flavonoid.

2.1. Diterpen lacton

Các diterpen lacton là andrographolid, deoxyandrographolid, neoandrographolid, homoandrographolid, 14 – deoxy – 11 - oxoandrographolid , 14 – 11,12 – didehydro – andrographolid, andrographosid, 14 – deoxyoandrographosid, deoxyandrographolid – 19 – β – D – glucosid, 14 – deoxy – 12 – methoxyandrographolid, andrograpanin, andropanosid, ent - 14β – hydroxy – 8 (17), 12 – labadien – 15, 16 – olid – 3β, 19 – oxyd.

Hàm lượng andrographolid ở lá là 2.6%, ở thân là 0.1 – 0.4%. Lá chứa hơn 2% andrographolid trước khi cây ra hoa, sau đó chỉ còn dưới 0.5%.

Không những vậy, xuyên tâm liên còn chứa andrographisid, deoxyandrographisid, 14 – deoxy – 11, 12 – dihydroandrographisid, 6’ – acetyl – neoandrographolid.

Một dẫn chất của andrographolid tan trong nước là sản phẩm cộng với Na bisulfit có được dùng làm thuốc hạ sốt.

Thành phần hóa học của xuyên tâm liên

Công thức hóa học của một số diterpen lacton có trong xuyên tâm liên

2.2. Flavonoid

Các flavonoid là 7 – O – methylwogonin, wogonin, oroxylin A, apigenin – 7, 4’ – dimethyl ether, andrographin, paniculin, mono – O – methylwithin.

Rễ có một flavanon glycosid là andrographidin, nhiều flavon glycosid là andrographidin B, C, D, E và F. Không những vậy, rễ còn có 2’, 5 – dihydroxy – 7, 8 – dimethoxyflavon -2’ – O – β – D – glucosid và 3β – hydroxy -5 – stigmasta – 9 (11), 12 (2β) – dien.

Ngoài thành phần là các diterpen lacton và flavonoid, xuyên tâm liên còn có các chất khác là andrographan, adrographon, andrographosterin, panicolid, β – sitosterol – D – glucosid, α - sitosterol

3. Xuyên tâm liên có tác dụng dược lý gì?

Xuyên tâm liên là một trong những vị thuốc quý có nhiều tác dụng dược lý quan trọng. Dưới đây là những tác dụng đó.

3.1. Tác dụng kháng khuẩn

Theo một số kết quả nghiên cứu, dịch chiết từ lá xuyên tâm liên có hoạt tính kháng khuẩn, giúp ức chế sự phát triển vi khuẩn Bacillus subtilis và Streptococcus aureus (tụ cầu vàng).

Kết quả tương tự cũng thu được từ thí nghiệm của nhà khoa học Radha và các cộng sự cho thấy, chiết xuất ether, acetone, chloroform và ethanol từ lá và thân cây xuyên tâm liên có tính kháng khuẩn đáng kể chống lại các vi khuẩn Enterococcus faecalis, Streptococcus pyogenes, Klebsiella pneumonia và Proteus Vulgaris.

Xuyên tâm liện cũng đã được thử nghiệm lâm sàng về tác dụng điều trị viêm phế quản cấp và mạn. Đối với viêm phế quản mạn (đa số là ở người lớn), kết quả khả quan thu được ở gần 80% trường hợp, ho và khối lượng đờm giảm, số ngày ho khạc trong mỗi đợt ít đi, khoảng cách giữa các đợt viêm xa hơn. Một số trường hợp thấy bớt tức ngực, khó thở.

Đối với bệnh viêm phế quản cấp, chủ yếu là trẻ em, thời gian lành bệnh rút ngắn hơn và đối với trẻ thường bị nhiều đợt tiến triển trong nam, nếu dùng chiết xuất từ xuyên tâm trong cả thời gian bình thường (dự phòng bằng uống 10 ngày trong tháng), các đợt viêm cấp trở nên thưa hơn.

3.2. Tác dụng chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa là phân tử có khả năng chấm dứt các phản ứng dây chuyền gây tổn hại tế bào bằng cách loại bỏ các chất trung gian gốc tự do và ức chế các phản ứng oxy hóa khác.

Verma và Vinayak đã đánh giá tác dụng chống oxy hóa của chiết xuất từ xuyên tâm liên trên gan ở chuột mắc ung thư hạch. Kết quả cho thấy, dịch chiết này làm tăng đáng kể các hoạt động của enzyme catalase, superoxide effutase và glutathione-S-transferase và giảm hoạt động của dehydrogenase lactate.

Hơn thế nữa, dịch chiết nước từ xuyên tâm liên (A. paniculata) có tác dụng chống oxy hóa cao hơn so với chiết xuất ethanol của xuyên tâm liên trong tất cả mô hình được thử nghiệm.

3.3. Tác dụng hạ sốt

Ở một nghiên cứu mù kép khác, bẹnh nhận cảm sốt được điều trị với cao xuyên tâm liên với liều 1.2g bột lá/ngày. Kết quả thu được là các triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt ở nhóm điều rị ở ngày thứ 4 sau khi uống thuốc, thời gian cảm sốt giảm đáng kể.

Hơn thế nữa, trong một nghiên cứu mù kép ngẫu nhiên hóa trên bệnh nhân mắc viêm họng – amidan, liều bột lá xuyên tâm liên 6g/ngày và paracetamol 3g/ngày có tác dụng tốt hơn liều xuyên tâm liên 3g/ngày về giảm sốt và giảm viêm họng ở ngày thứ 3. Nhưng ở ngày thứ bảy, các tác dụng lâm sàng không còn khác nhau. Ngoài ra, có những tác dụng phụ nhẹ tự hết ở khoảng 20% bệnh nhân ở mỗi nhóm.

Trong các thử nghiệm cho học sinh nhỏ uống trong 3 tháng, mỗi ngày 2 viên cao xuyên tâm liên được tiêu chuẩn hóa, có nhóm placebo để so sánh, xuyên tâm liên đã có tác dụng làm giảm tỷ lệ học sinh bị cảm lạnh, điều này cho thấy thuốc có tác dụng dự phòng cảm lạnh.

4. Công dụng

Xuyên tâm liên được dùng trị lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, rắn độc cắn. Ngày dùng 10 – 15g lá dưới dạng thuốc sắc uống. Nếu tán bột, mỗi lần uống 2 – 4g, ngày dùng 2 – 3 lần.

Để chữa viêm miệng, viêm họng dùng vài lá nhai ngậm. Dùng ngoài, lá xuyên tâm liên một nắm giã với rượu xoa đắp phối hợp với uống thang thuốc có xuyên tâm liên, kim ngân hoa, sài đất chữa lở ngứa, rôm sẩy, sưng tấy, nhiễm trùng ngoài da, vết thương rắn cắn.

Trong y học Trung Quốc, xuyên tâm liên được dùng điều trị cảm cúm với sốt, viêm họng, viêm thanh quản, loét miệng, loét lưỡi, ho cấp tính hoặc mạn tính, viêm ruột kết, ỉa chảy, lỵ, nhiễm khuẩn đường tiết niệu với tiểu tiện khoks và đau, mụn nhọt, lở loét, rắn độc cắn. Ngày dùng 6 – 9g, dùng ngoài với lượng thích hợp.

Rễ và lá xuyên tâm liên được dùng phổ biến trong y học cổ truyền Ấn Độ, nhiều vùng ở Đông Nam Á, Trung Mỹ và vùng Caribe, thường được dùng làm thuốc trị rắn cắn và sâu bọ cắn. Nước hãm hoặc nhựa từ lá vò nát được dùng trị sốt, ban da ngứa và làm thuốc bổ.

Viên hoàn hoặc thuốc hãm được dùng để điều trị rối loạn kinh nguyệt, khó tiêu, tăng huyết áp, thấp khớp, bệnh lâu, vô kinh, bệnh gan và vàng da.

Ở Ấn Độ, để chữa ho gà cho trẻ uống mỗi lần 1 thìa cà phê bột nhão bào chế từ rễ xuyên tâm liên và thân rễ gừng, trọng lượng bằng nhau, ngày 3 lần trong 15 ngày. Lá khô xuyên tâm liên cùng với tỏi tán thành bột làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu Hà Lan, uống mỗi lần 1 viên, ngày 3 lần trong 3 – 7 ngày  để chữa sốt rét.

Xuyên tâm liên cũng được dùng trong thành phần của phương thuốc cổ truyền Ấn Độ để chữa rụng tóc dưới dạng thuốc sắc. Ở Nepal để trị áp xe, người ta dùng một nắm lá bánh tẻ xuyên tâm liên và một ít muối, giã và trộn với nửa cốc nước. Gạn dịch nổi lên trên và uống ngày một lần, bã đắp lên chỗ bị áp xe.

5. Một số bài thuốc có xuyên tâm liên

Các thầy thuốc đông y đã ứng dụng những tác dụng tuyệt vời của xuyên tâm liên

Bài thuốc số 1: Chữa lỵ trực khuẩn cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm sốt, sưng tấy, rắn độc cắn

  • Xuyên tâm liên 15g
  • Kim ngân hoa 10g
  • Sài đất 10g

Sắc uống ngày một thang.

Bài thuốc số 2: Chữa viêm phổi, sưng amidan:

  • Xuyên tâm liên 12g
  • Huyền sâm 10g
  • Mạch môn 10g

Bài thuốc số 3: Chữa viêm gan nhiễm khuẩn

  • Xuyên tâm liên 3g
  • Cỏ nhọ nồi 6g
  • Diệp hạ châu đắng 3g

Sắc uống ngày một thang 2 – 4 tuần

Bài thuốc số 4: Chữa bỏng (giai đoạn hồi phục của bệnh)

- Xuyên tâm liên 200g, nấu với 500ml nước, rửa hàng ngày.

- Xuyên tâm liên, hoàng bá, xà sàng tử, mỗi vị 100g. Nấu với 600ml nước, rửa hàng ngày.

Bài thuốc số 5: Xuyên tâm liên trị mụn nhọt

Lá xuyên tâm liên 1 nắm giã nát với rượu, dùng để xoa, đắp tại chỗ. Kết hợp cho uống thuốc sắc: Kim ngân hoa, sài đất, bèo cái, lá trắc bá, lá tre, mỗi thứ một nắm nhỏ, sắc đặc uống ngày một thang, chia làm 2 -3 lần.

Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về cây thuốc xuyên tâm liên.

Tài liệu tham khảo: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, trang 1138, tập 2

Xếp hạng: 4 (2 bình chọn)