Hé lộ những dược liệu chứa tinh dầu thiên nhiên

Không chỉ đem tới nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, dược liệu chứa tinh dầu còn là nguồn nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành công nghiệp khác (mỹ phẩm, thực phẩm). Và nếu bạn đang tìm hiểu về những dược liệu chứa tinh dầu này thì hãy cùng chúng tôi khám phá về chúng ngay trong bài viết dưới đây nhé.

1. Bạc hà

Thảo dược đầu tiên nằm trong danh sách dược liệu chứa tinh dầu phải kể đến đó chính là bạc hà. Bạc hà có tên khoa học là Mentha arvensis L., họ Bạc hà (Lamiaceae), ngoài ra bạc hà còn có nhiều tên gọi khác như bạc hà nam, nạt năm, chạ phiecs hom (Tày).

1.1. Đặc điểm thực vật

Bạc hà là cây thảo, sống lâu năm, thân mềm, hình vuông. Thân bạc hà ngầm mang rễ mọc bò lan, loại thân đứng mang lá, cao 30 -  40 cm, có khi hơn, màu xanh lục hoặc tím tía, đôi khi phân nhánh.

Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, cuống ngắn, mép lá khía răng đều. Hoa nhỏ màu trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc tụ tập ở kẽ lá thành những vòng nhiều hoa, lá bắc nhỏ, hình dùi, dài hình chuông có 5 răng đều.

Quả bế, có 4 hạt (ít gặp). Các bộ phận trên mặt đất có lông gồm lông che chở và lông bài tiết tinh dầu. Mùa hoa quả vào tháng 7 – 10.

Bạc hà thuộc loại dược liệu chứa tinh dầu, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm châu Âu, một vài loài khác xuất hiện ở cận nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, bạc hà phân bố chủ yếu ở những nơi có khí hậu ẩm mát như Sapa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Mù Căng Chải (Yên Bái) và Mường Lồng (Nghệ An).

Bạc hà là loại cây đặc biệt ưa ẩm và ưa sáng, mọc hoang dại thường tập trung thành những đám nhỏ gần bờ suối hay trong thung lũng. Bạc hà thường mọc ở những đát tơi xốp, giàu chất mùn. Cây ra hoa hàng năm, nhưng hình thức tái sinh chủ yếu vẫn bằng cách mọc chồi, đẻ nhánh bò lan trên mặt đất.

Bạc hà là dược liệu chứa tinh dầu dùng phổ biến

Bạc hà là dược liệu chứa tinh dầu dùng phổ biến

1.2. Thành phần hóa học

Bạc hà ó nhiều chủng loại đang được khai thác, nhiều chủng giàu menthol (80 – 90%) được di thực vào Việt Nam và được gọi bằng các ký hiệu BH 974, 975, 976, Đài Loan…

Thành phần chính chủ yếu có trong bạc hà là tinh dầu, cụ thể là trong bạc hà tím Việt Nam thì các nhà nghiên cứu đã xác định được 32 thành phần thuộc nhóm tinh dầu như:

             α – phinen 0.41%                                  menthol 10.1%

             β – pinen 0.72%                                    menthyl acetat   1.6%

             myrcen 0.47%                                       piperiton 4%

             limonen 4.5%                                        pulegon 24.9%

             p.cymol 0.09%                                      piperiton oxyd 16%

             octanol – 3: 3.2%                                 piperiton oxyd 21.5%

             menthol 5.8%

Tinh dầu có trong bạc hà là chất lỏng không màu hay màu vàng nhạt, có mùi bạc hà đặc biệt, vị cay, sau mát. Với tinh dầu bạc hà giàu menthol (trên 70%), có thể chiết xuất một phần menthol.

1.3. Tác dụng dược lý

Tinh dầu bạc hà và menthol bốc hơi nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, dùng trong trường hợp đau dây thần kinh, còn có tác dụng sát khuẩn mạnh. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn dùng trong những trường hợp bệnh nhân bị bệnh ngoài da ngứa, bệnh về tai mũi họng.

Sử dụng bạc hà với thành phần tinh dầu uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, làm tăng bài tiết tuyến mồ hôi, làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn cẳn sự lên men bình thường trong ruột.

Ngoài ra, bạc hà có tác dụng kháng vi khuẩn trong thí nghiệm in vitro đối với các chủng vi khuẩn tả Vibrio cholerae Eltor, Vibrio cholerae Inaba, Vibrio cholerae Ogawa.

Bên cạnh đó, tinh dầu bạc hà còn có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, có thể gây ra tê liệt thần kinh do tác dụng chủ yếu của menthol.

Tinh dầu có trong bạc hà còn làm giảm sự vận động và chống sự co thắt của ruột non. Các chất menthol và methon có thể ức chế sự vận động của đường tiêu hóa từ ruột trở xuống và có tác dụng làm giãn mao mạch.

Chú ý: Đối với trẻ em không nên sử dụng tinh dầu bạc hà và menthol bôi mũi hay cổ họng cso thể gây hiện tượng ức chế dẫn tới ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Do đó, bạn cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu bạc hà hay dầu cù cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh.

1.4. Công dụng

Theo đông y, bạc hà có vị cay thơm, tính ấm, có tác dụng phát tán phong nhiệt, hóa đàm hạ tích, tiêu sưng chỉ ngứa.

- Bạc hà trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, ngạt mũi, ho, viêm họng sưng đau, mắt đỏ, ngứa nổi mề đay, bụng đau, đầy trướng, tiêu hóa kém, nôn mửa. Thường dùng phối hợp với nhiều thuốc khác.

- Bạc hà dùng làm cho thuốc thơm dễ uống và chữa đau bụng đi ngoài.

- Tinh dầu bạc hà và menthol có tác dụng sát khuẩn, xoa bóp nơi sưng đau như khớp xương, thái dương khi nhức đầu.

- Cây khô bạc hà được dùng làm thuốc chống co thắt gây trung tiện, tống hơi trong ruột ra, làm dễ tiêu, làm lạnh, gây tác dụng kích thích, điều kinh, lợi tiểu.

- Nước hãm lá bạc hà dùng điều trị bệnh thấp khớp và chứng ăn không tiêu. Tinh dầu bạc hà đã loại menthol được dùng làm nước súc miệng, kem đánh răng và các dược phẩm khác

Liều dùng:

Lá và toàn cây bạc hà: ngày uống từ 4 – 8g dưới dạng thuốc hãm.

Tinh dầu và menthol: mỗi lần dùng từ 0.02 – 0.20ml, mỗi ngày dùng từ 0.06 – 0.6ml.

Còn dùng dưới hình thức cồn (lá bạc hà 50g, tinh dầu bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), ngày dùng nhiều lần, mỗi lần 5 – 15 giọt, cho vào nước nóng uống.

Kiêng kỵ: người gầy yếu, suy nhược toàn dân, táo bón, huyết áp cao, trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng.

2. Dầu giun

Dược liệu tiếp theo nằm trong nhóm chứa tinh dầu đó chính là dầu giun. Dầu giun có tên khoa học là Chenopodium ambrosioides L. thuộc họ Rau muối (Chenopodiaceae). Ngoài ra, dầu giun còn có tên gọi khác là cỏ hôi, kinh giới đất, rau muối dại.

2.1. Đặc điểm thực vật

Dầu giun là cây thảo, sống hàng năm, đôi khi sống lâu năm. Thân đứng, có khía dọc, phân nhánh nhiều, cao 50 – 70cm hoặc hơn nữa.

Lá mọc so le, có cuống ngắn, gốc thuôn, đầu nhọn, dài 5.5 – 7.5cm, rộng 1 – 2cm, khía thùy không đều, đầu thùy nhọn, hai mặt cùng màu, lá ở ngọn có phiến rất hẹp và gần như nguyên.

Cụm hoa là những chùy dày hợp thành bông kép mang lá ở ngọn thân, hoa nhỏ màu vàng nhạt, bao hoa có thùy hình trái xoan tù ở đầu, nhị 5, đôi khi tiêu giảm còn 3 hoặc 2 cái, bao phấn hình trái xoan.

Quả bế, hình cầu, màu lục nhạt hoặc phớt trắng, hạt nhỏ, hình mắt chim, màu đen bóng.

Dầu giun cũng là dược liệu chứa tinh dầu tiêu biểu

Dầu giun cũng là dược liệu chứa tinh dầu tiêu biểu

2.2. Thành phần hóa học

Thành phần chủ yếu có trong dầu giun chính là tinh dầu. Tinh dầu giun là chất lỏng trong suốt, màu vàng đến màu vàng cam, mùi đặc biệt khó chịu, vị đắng, nóng cháy.

Tinh dầu giun có chứa:

  • 60 – 80% ascaridol
  • 20% p – cymen.
  • L – limonen
  • D - camphor

Theo quy định thì tinh dầu giun đạt chuẩn khi chứa hàm lượng ascaridol trên 60%. Ascaridol là chất lỏng không bền vững, nhớt có mùi và vị khó chịu. Ascaridol hòa tan trong hexan, ethanol, toluen, benzen.

Bên cạnh đó, quả của dầu giun còn chứa kaempferol 3 – rhamnosid – 4’- xylosid, kaempferol 3 – rhamnosid – 7- xylosid, kaempferol, isorhamnetin và quercetin.

Lá và hạt chứa acid oxalic, acid citric, muối vô cơ. Ngoài ra, còn có chenopodiosid B, trong đó aglycon alf acid echinosistic, đường là acid glucuronic, rhamnose, xylose, arabinose.

2.3. Tác dụng dược lý

Tinh dầu giun là một thuốc tẩy giun cổ điển được dùng ở nhiều nước. Nhưng hiện nay đã có những thuốc trị giun khác thay thế tinh dầu giun vừa hiệu quả cao vừa an toàn hơn.

Hoạt chất chính có tác dụng diệt giun là ascaridol, do đó tinh dầu giun dùng trong điều trị phải có hàm lượng ascaridol đạt ≥ 60%.

Đối với giun đũa thí nghiệm, tinh dầu giun ở giai đoạn dầu có tác dụng kích thích sau đó làm tê liệt giun hoàn toàn. Một dung dịch nuôi giun có nồng độ tinh dầu giun 1 : 5000 cũng đủ làm tê liệt giun.

Trên tiêu bản thần kinh – cơ của đỉa, dưới tác dụng của tinh dầu giun ban đầu có hiện tượng kích thích tiếp theo là xuất hiện tê liệt.

2.4. Công dụng

Dầu giun có vị cay, đắng, tính ôn, có độc, có tác dụng sát trùng, trị ngứa, khu phong, trừ thấp.

Tinh dầu giun được dùng để điều trị bệnh giun đũa, giun móc, không có tác dụng với giun kim và sán. Tinh dầu giun có độ độc khá lớn, khi sử dụng cần chú ý những điểm sau:

- Không dùng quá liều, liều dùng cho người lớn là 1g, tương đương với 50 giọt tinh dầu. Ở người lớn, liều trên được chia đều làm 2 – 3 lần uống, mỗi lần cách nhau nửa giờ đến nửa giờ, tinh dầu đựng trong viên nang.

Sau lần uống thuốc cuối cùng khoảng 1 – 2 giờ, uống một liều thuốc tẩy muối magie sulfat hoặc uống cả liều trên một lần hòa tan trong 30ml dầu thầu dầu.

- Không dùng cho những bệnh nhân gầy yếu, suy dinh dưỡng, có tổn thương ở dạ dày, gan, thận, phụ nữ có thai, đang cho con bú.

- Không được uống rượu trong thời gian dùng tinh dầu giun. Trước và sau khi dùng thuốc nên duy trì chế độ ăn giàu carbohydrate là thích hợp.

- Sau khi dùng thuốc 4 – 5 giờ, nếu không đi ngoài được cần dùng ngay một liều thuốc tẩy lớn hơn.

- Không được dùng tinh dầu giun đợt tiếp theo trong vòng 3 – 4 tuần lễ sau đợt thứ nhất.

3. Đinh hương

Đinh hương có tên khoa học là Syzygium aromaticum (L.) Merr. et Perry, thuộc họ Sim (Myrtaceae).

3.1. Đặc điểm thực vật

Đinh hương là cây nhỡ hay cây to, luôn xanh, cao 8 – 12m, có khi hơn. Thân mọc thẳng, vỏ màu lục hoặc nâu nhạt. Lá mọc đối, phiến dài, hình bầu dục hoặc hình mác, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành xim phân nhánh, nụ hoa nom như cái đinh, dài có 4 răng dày, hàn liền ở phía dưới thành ống màu đỏ, tràng 4 cánh rời nhau. Hoa màu trắng vàng, rụng sớm, nhị rất nhiều, xếp thành nhiều vòng, bầu hạ, 2 ô.

Đinh hương có chứa nhiều tinh dầu đem lại nhiều giá trị cho người sử dụng

Đinh hương có chứa nhiều tinh dầu đem lại nhiều giá trị cho người sử dụng

3.2. Thành phần hóa học

Nụ hoa đinh hương chứa tinh dầu, sterol glucosid (sitosterol, stigmasterol, campestrol), acid crataegolic, methyl ester, acid oleanoic, quercetin, kaempferol, rhamnetin, eugeniin.

Tinh dầu có trong đinh hương được chia thành 3 loại: tinh dầu từ nụ hoa (hàm lượng 15 – 17%), tinh dầu từ cuống hoa (6%), tinh dầu từ lá (2-3%).

Thành phần chính của tinh dầu là eugenol 80 - 95%, eugenyl acetat 1 – 5% và β – caryophylen 4 – 12%. Chất lượng của tinh dầu phụ thuộc vào nguồn gốc, thời tiết, độ chín của nguyên liệu, phương pháp xử lý khi thu hoạch và phương pháp chưng cất: Tinh dầu tốt nhất là ở nụ hoa rồi đến cuống hoa và lá.

Tinh dầu nụ hoa đinh hương là chất lỏng không màu hoặc màu vàng, để lâu sẽ sẫm màu, mùi và vị đặc trưng cần được bảo quản trong đồ bao gói kín, tránh ánh sáng.

Tinh dầu cuống hoa là chất lỏng không màu đến màu vàng nhạt, có tính chất của gia vị mạnh, có mùi tương tự như đinh hương nhưng không dịu bằng.

Tinh dầu ở lá thường là chất lỏng, màu nâu sẫm, thường pha màu nâu tía hoặc tím, hơi đục, có mùi thô của gỗ, hơi ngọt khác hẳn với tinh dầu nụ hoa.

3.3. Tác dụng dược lý và công dụng

Đinh hương có vị cay, ngọt, mùi thơm mạnh, tính nóng ấm, quy vào 4 kinh: phế, tỳ, vị và thận, có tác dụng kích thích, làm thơm, lợi trung tiện, làm ấm bụng, sát trùng.

Đinh hương thường được dùng làm gia vị, dùng để chế bột cary cùng với nghệ, gừng, hồ tiêu đen, ớt, quả mùi.

Bên cạnh đó, đinh hương còn dùng để làm thuốc, chữa đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn mửa, phong thấp, đau xương, nhức mỏi, lạnh tay chân. Ngày dùng 2 – 6g, sắc uống hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.

Dùng ngoài để xoa bóp, nắn gãy xương. Với tính sát khuẩn, đinh hương có thể sử dụng để phòng bệnh dịch. Theo các kết quả nghiên cứu, tinh dầu của đinh hương có tác dụng rất mạnh trên nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn thường gặp ở đường hô hấp, vi khuẩn đường ruột thuộc chi Shigella.

Hy vọng rằng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về dược liệu chứa tinh dầu. Chúc bạn sẽ luôn khỏe mạnh và gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống.

Xếp hạng: 3.5 (17 bình chọn)