Tác dụng của mướp đắng trong chữa trị tiểu đường

Tiểu đường là một trong những căn bệnh rất nguy hiểm của xã hội hiện đại, thu hút sự quan tâm và đầu tư nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Ngoài phương pháp y học hiện đại thì việc dùng dược liệu hay thảo dược trong chữa trị tiểu đường cũng là một trong những biện pháp hiệu quả cho người bệnh tiểu đường. Trong đó có việc sử dung mướp đắng chữa tiểu đường. Vậy tác dụng này như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

1. Giới thiệu chung về cây mướp đắng

Mướp đắng có tên khoa học là Momordica charantia L., thuộc họ Bí (Cucurbitaceae). Mướp đắng còn có tên gọi khác là khổ qua, lương qua, cẩm lệ chi.

Cây thuộc nhóm dây leo bằng tua cuốn đơn, mảnh, thân có cạnh. Lá mọc so le, chia 5 – 7 thùy, mép có khía răng cưa, gốc hình tim, đầu thùy nhọn hoặc hơi tù, gân lá có lông ngắn.

Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, có cuống dài, màu vàng nhạt, hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực có đài và ống rất ngắn, chia 5 thùy màu vàng nhạt, tràng 5 cánh mỏng, hình bầu dục, nhị 5 rời nhau, bao phấn cong hình chữ S. Hoa cái có đài và tràng giống hoa đực, 3 nhị lép dạng tuyến, bầu hạ hình thoi.

Quả hình thoi dài, gốc và đầu thuôn nhọn, mặt ngoài có nhiều u lồi không bằng nhau, khi chín màu vàng hồng. Hạt dẹt có màng đỏ bao quanh.

Mùa hoa: tháng 2 – 4, mùa quả: tháng 5 – 6.

Mướp đắng có 2 dạng:

  • Momordica charantia L. var. charantia L., quả to.
  • Momordica charantia L. var. abreviata Ser, quả nhỏ.

Mướp đắng trồng ở Việt Nam hiện nay cũng bao gồm nhiều giống. Cây được trồng ở hầu hết các tỉnh từ đồng bằng đến trung du và miền núi. Ở một số vùng núi cao lạnh như Sapa (Lào Cai), Phó Bảng (Hà Giang).

Cây sinh trưởng nhanh trong mùa mưa ẩm, ra hoa quả sau 7 – 8 tuần gieo trồng. Hoa thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng. Sau khi quả già, cây tàn lụi và kết thúc vòng đời sau 4 – 5 tháng tồn tại (Trích Cây thuốc và Động vật làm thuốc Việt Nam - DSCKII Đỗ Huy Bích và các cộng sự)

Đặc điểm thực vật cây mướp đắng

Đặc điểm thực vật cây mướp đắng

2. Tác dụng của mướp đắng trị tiểu đường như thế nào

Trong quả mướp đắng, có ít nhất 3 nhóm thành phần hóa học có tác dụng hạ đường máu và những tác dụng khác có lợi cho việc điều trị bệnh đái tháo đường. Những thành phần này bao gồm:

  • Những glycosid steroid gọi là charantin: charantin là hỗn hợp của beta – sitosterol – beta – D – glycosid và stigmadien – 3 – beta – ol – glycosid.
  • Những peptid có tác dụng kiểu insulin.
  • Các alcaloid.

2.1. Làm giảm đường máu

Dịch ép quả mướp đắng làm giảm glucose máu ở chuột cống trắng bình thường được cho uống glucose 45 phút trước khi cho uống mướp đắng. Ở chuột cống trắng bị tiểu đường tuýp 2 thì cao methanol đã loại bỏ saponin của dịch ép có thể gây hạ đường máu đáng kể ở 2 trạng thái: lúc đói và lúc no.

Tuy nhiên với bệnh tiểu đường phụ thuộc vào insulin (tiểu đường tuýp 1) ở chuột cống trắng thực nghiệm thì dịch ép quả mướp đắng không có tác dụng đáng kể với nồng độ đường máu lúc đói hoặc sau bữa ăn.

Ở chuột nhắt trắng bình thường (không mắc bệnh tiểu đường), cao nước mướp đắng gây hạ đường máu cả khi uống và tiêm phúc mạc glucose và không ảnh hưởng đến đáp ứng về insulin. Cao nước và chất cặn còn lại sau khi đã chiết cloroform kiềm đã làm giảm mức tăng đường máu ở chuột nhắt trắng đái tháo đường sau 1 giờ.

Như vậy, cao mướp đắng cho uống đã làm giảm đường máu không phụ thuộc vào sự hấp thu glucose qua ruột.

Cao cồn mướp đắng cho chuột cống trắng bình thường uống với liều 500mg/kg làm:

  • Giảm mức glucose 10 – 16% sau 1 giờ uống.
  • Giảm 6% sau 2 giờ sử dụng.

Đối với chuột bị tiểu đường tuýp 2, cao cồn mướp đắng với liều như trên có thể làm giảm 26% mức glucose sau 3.5 giờ sử dụng.

Dịch ép từ mướp đắng gây tăng sự hấp thu glucose vào các mô in vitro mà không có sự tăng đồng thời hô hấp của mô. Cho chuột cống trắng uống dịch này trước trước khi uống glucose làm tăng lượng tích trữ glycogen có ở trong gan.

Ngoài ra, dịch ép mướp đắng còn có tác dụng làm tăng đáng kể sự dung nạp glucose ở 73% số bệnh nhân tiểu đường không phụ thuộc insulin được điều trị, 27% số bệnh nhân không đáp ứng. Tuy nhiên khi bệnh nhân mướp đắng rắn thì khả năng dung nạp glucose yếu hơn.

Tác dụng hạ đường máu có tính chất tích lũy và tăng dần ở bệnh nhân tiểu đường dùng cao mướp đắng vào cuối cuộc thử nghiệm 3 tuần.

Không những vậy, dịch ép quả mướp đắng còn có tác dụng loại bỏ những gốc superoxyd và hydroxyl. Vì những gốc này có chứa oxy có liên quan tới bệnh tiểu đường, tác dụng chống đái tháo đờn của mướp đắng cũng có thể một phần do cơ chế này. Một số nghiên cứu cho thấy hạt mướp đắng cũng chứa những chất có tác dụng hạ đường máu (Trích Cây thuốc và Động vật làm thuốc Việt Nam - DSCKII Đỗ Huy Bích và các cộng sự).

Mướp đắng giúp hạ đường máu

Mướp đắng giúp hạ đường máu

2.2. Duy trì chức năng tế bào β đảo tụy và sự bài tiết insulin

Theo Jeewathayaparan và các cộng sự thì dịch chiết từ mướp đắng có tác dụng kích thích sự bài tiết insulin từ tế bào β đảo tụy. Nhờ đó, người hoặc động vật mắc bệnh tiểu đường sẽ có khả năng kiểm soát lượng đường máu trong cơ thể tốt hơn.

Kết luận này càng được củng cố bởi Ahmed và các cộng sự, họ đã nghiên cứu tác dụng của việc uống hàng ngày nước ép từ quả mướp đắng và sự phân bố của các tế bào α, β trong tuyến tụy của chuột mắc bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, một số bằng chứng hiện tại cho thấy rằng dịch ép từ quả mướp đắng còn có tác dụng phục hồi số lượng tế bào β đảo tụy, nhằm giúp đảm bảo cho quá trình sản xuất insulin được diễn ra bình thường. Từ đó, giúp hạ đường máu tốt hơn.

Hơn nữa, loại thực vật này còn giúp sửa chữa những tổn thương của tế bào β tụy đảo, giúp phục hồi chức năng cũng như hoạt động của tế bào này [1].

Mướp đắng giúp duy trì chức năng tế bào đảo tụy

Mướp đắng giúp duy trì chức năng tế bào β đảo tụy

2.3. Làm giảm biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2

Ở những con chuột bị tiểu đường không được điều trị cho thấy biến chứng bị mờ đục thủy tinh thể xuất hiện sớm hơn nhiều so với nhóm được điều trị bằng mướp đắng.

Ngoài ra, việc sử dụng mướp đắng trên động vật thí nghiệm cũng cho thấy tác dụng làm giảm một số biến chứng như: bệnh về thận, thần kinh.

3. Các nghiên cứu lâm sàng về tác dụng của mướp đắng đối với bệnh tiểu đường

Nghiên cứu của John và các cộng sự

John và các cộng sự đã chọn ngẫu nhiên 50 đối tượng và chia thành 2 nhóm bao gồm:

  • Nhóm 1: gồm 26 người được sử dụng quả mướp đắng khô với liều 2g chia 3 lần/ngày.
  • Nhóm 2 (nhóm đối chứng): 24 người không sử dụng quả mướp đắng khô, sử dụng riboflavin làm giả dược.

Tiêu chí đánh giá dựa trên nồng độ đường huyết lúc đói (FBS) và nồng độ đường huyết sau khi ăn (PPS). Cỡ mẫu được tính bằng cách sử dụng mức giảm mục tiêu của nồng độ đường là 300 mg/l (30 mg/dl) cho cả FBS và PPS.

Tất cả đối tượng tham gia nghiên cứu đều được hướng dẫn sử dụng các sản phẩm như đã nêu trên bằng đường uống và duy trì chế độ ăn uống thích hợp.

Các chỉ số FBS và PPS đánh giá bằng nồng độ fructosamine ở mức cơ bản trước khi điều trị, tại thời điểm 2 tuần và  4 tuần sau điều trị.

Kết quả không cho thấy hiệu quả có ý nghĩa thống kê, trong đó các tác giả cho rằng có thể sử dụng quả mướp đắng khô thay vì loại quả tươi mà vẫn có hiệu quả tương đương.

Nghiên cứu Dans và các cộng sự

Dans và các cộng sự đã tiến hành một thử nghiệm mù đôi ngẫu nhiên với 40 đối tượng mới được chuẩn đoán mắc bệnh tiểu đường hoặc kiểm soát kém nồng độ đường trong máu, có mức HbA1c từ 7 – 9%. Mức FBS và PPS được đo ở các đối tượng trước khi can thiệp và những dữ liệu này sau đó được sử dụng làm đối chứng.

Sau đó, các đối tượng tham gia nghiên cứu được chia thành ba nhóm và được cho sử dụng metformin, glibenclamide và metformin + glibenclamide trong 7 ngày, sau đó đo các giá trị FBS và PPS.

Trong 7 ngày tiếp theo, các đối tượng được dùng thuốc hạ đường huyết uống với liều một nửa, cộng với một liều chiết xuất từ quả mướp đắng hai lần mỗi ngày (với liều 200 mg hai lần mỗi ngày) và nồng độ FBS và PPS được đo lại.

Kết quả cho thấy giảm trong cả hai chỉ số FBS và PPS đều giảm trong 7 ngày đầu tiên. Và 7 ngày tiếp theo thì cả hai chỉ số này đều giảm sâu hơn nữa sau khi cho các đối tượng sử dụng chiết xuất từ quả mướp đắng [2].

Mong rằng qua những chia sẻ của bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin về tác dụng tuyệt vời của mướp đắng trong việc chữa trị tiểu đường. Chúc bạn và gia đình sẽ luôn có một sức khỏe tốt và may mắn trong cuộc sống.

Xếp hạng: 5 (1 bình chọn)