Tổng hợp các cây thuốc quý, dược liệu quý ở Việt Nam

“Rừng vàng, biển bạc” là câu thành ngữ luôn được mọi người nhắc tới khi nói tới sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên cũng như hệ sinh thái ở Việt Nam. Và một trong những nguồn tài nguyên vô giá ở nước ta chính là những cây thuốc quý, dược liệu quý có nhiều tác dụng và công dụng rất có giá trị. Mời bạn cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có tìm hiểu về chúng nhé.

1. Sâm Ngọc Linh

Đứng đầu trong danh sách những loại cây thuốc quý, dược liệu quý ở Việt Nam đó chính là sâm Ngọc Linh. Tuy mới được phát hiện cách đây không lâu nhưng loại dược liệu quý hiếm này đã được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu và phát hiện nhiều tác dụng đặc biệt.

1.1. Đặc điểm thực vật

Sâm Ngọc Linh là củ của một loài cây thảo, sống lâu năm và cao từ 40 – 80cm. Thân rễ nạc, mọc bò ngang như củ gừng, có nhiều đốt, không phân nhánh, dài 30 – 40 cm, có thể hơn, có nhiều vết sẹo do thân khí sinh lụi hàng năm để lại, mặt ngoài màu nâu nhạt, ruột trắng ngà, phần cuối đôi khi có một củ hình cầu.

Thân khí sinh mảnh, mọc thẳng, mang 2 – 4 lá kép chân vịt mọc vòng, mỗi lá kép có 5 lá chét hình trứng ngược hoặc hình mác, dài 10 – 14 cm, rộng 3 – 5 cm, gốc hình nêm, đầu thuôn dài thành hình mũi nhọn, mép khía răng nhỏ.

Cụm hoa mọc thành tán đơn ở ngọn thân, có cuống dài, hoa nhiều màu vàng lục, đài có 5 răng dài, nhị 5, chỉ nhị hình sợi, bầu thượng 1 ô.

Sâm ngọc linh

Sâm ngọc linh là một trong những loại cây thuốc quý, dược liệu quý

1.2. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học chủ yếu có trong sâm Ngọc Linh chính là hợp chất saponin bao gồm: 49 hợp chất saponin bao gồm 25 loại saponin đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vina-ginsenosid –R1-R24.

Ngoài ra, trong sâm ngọc linh còn có các hợp chất polyacetylen, các acid béo, acid amin

1.3. Tác dụng dược lý và công dụng

- Tác dụng dược lý

Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương: Sâm Ngọc Linh ở liều thấp có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng hoạt động vận động và trí nhớ. Tuy nhiên khi sử dụng với liều cao lại gây ra ức chế thần kinh.

Chống trầm cảm: Dựa theo kết quả nghiên cứu thì Sâm Ngọc Linh có tác dụng chống trầm cảm ở liều như sau: uống một lần 200 mg/kg hoặc liều 50 – 100 mg/kg dùng luôn 7 ngày ở chuột nhắt trắng.

Tăng cường sinh lực: Sâm Ngọc Linh có tác dụng tăng cường sinh lực trên thí nghiệm ở chuột, nhờ đó giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục sức lực cho cơ thể.

Chống oxy hóa: Trên thí nghiệm in vitro, dùng dịch nổi của mô não, mô gan và phân đoạn vi thể gan của chuột nhắt trắng cho thấy với nồng độ 0.05 – 0.5 mg/ml dịch chiết sâm Ngọc Linh có tác dụng ức chế sự hình thành MDA (sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid màng sinh học).

- Công dụng

Theo đông y, sâm Ngọc Linh có vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ, có tác dụng kích thích hoạt động, tăng cường trí nhớ, giúp hồi phục chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Sâm Ngọc Linh được dùng làm thuốc bổ toàn thân, chữa suy nhược, mệt mỏi, xơ vữa động mạch, ngộ độc gan, viêm họng và hen phế quản mạn tính.

Sâm Ngọc Linh thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác như sâm quy dưỡng lực bao gồm: sâm Việt Nam, đương quy và một số vị thuốc khác.

2. Trinh nữ hoàng cung

Trinh nữ hoàng cung có tên khoa học là Crinum latifolium L. thuộc họ loa kèn đỏ (Amaryllidaceae)

2.1. Đặc điểm thực vật

Trinh nữ hoàng cung là cây cỏ lớn, thân hành to, gần hình cầu hoặc hình trứng thuôn, đường kính 8 -10 cm, phủ bởi những vảy hình bản to, dày, màu trắng.

Lá mọc thẳng từ thân hành, hình dài đến 50 cm, có khi hơn, rộng khoảng 7 – 10 cm, mép nguyên, gốc phẳng có bẹ, đầu nhọn hoặc tù, gân song song.

Cụm hoa mọc thành tán trên một cần dẹt, dài 30 – 40 cm, lá bắc rộng hình thìa dài 7 cm, màu lục, đầu nhọn. Hoa màu trắng pha hồng, dài 10 – 15 cm, bao hoa gồm 6 phiến bằng nhau, hàn liền 1/3 thành ống hẹp, khi nở đầu phiến quăn lại, nhị 6, bầu hạ.

Trinh nữ hoàng cung

Trinh nữ hoàng cung

2.2. Thành phần hóa học

Thành phần chủ yếu có trong trinh nữ hoàng cung là các alcaloid và chúng thuộc 2 nhóm:

  • Không dị vòng: latisolin, latisodin, beladin.
  • Dị vòng: ambelin, crinafolin, epdycorin, lycorin, pratorin, pratorinin.

Ngoài ra, phần thân rễ của sâm Ngọc Linh còn chứa 2 glucan: glucan A và glucan B. Glucan A gồm 12 đơn vị glucose, còn glucan B có khoảng 110 gốc của glucose.

2.3. Tác dụng dược lý và công dụng

- Tác dụng dược lý:

Một số alcaloid có trong cây trinh nữ hoàng cung có tác dụng sinh học. Chẳng hạn như Lycorin ức chế sự tổng hợp protein và DNA của tế bào chuột, ức chế sự phát triển khối u ở chuột.

Bên cạnh đó, Lycorin ức chế sinh tổng hợp vitamin C trong cây cỏ, làm ngừng sự phát triển virus gây bệnh bại liệt, ức chế sự tổng hợp các tiền chất cần cho sự sinh trưởng của virus gây bệnh bại liệt.

Không những vậy, hoạt chất này còn có tác dụng điều hòa miễn dịch, làm chậm quá trình tổng hợp DNA của tế bào ung thư.

- Công dụng:

Theo đông y, trinh nữ hoàng cung có vị đắng, tính chát, có tác dụng gây sung huyết da.

Trinh nữ hoàng cung cũng được dùng trong phạm vi dân gian để chữa ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư tuyến tiền liệt. liều dùng mỗi ngày 3 – 5 lá sao vàng, sắc nước uống. Ở miền nam, trinh nữ hoàng cung còn được dùng phổ biến để chữa bệnh có liên quan đến đường tiết niệu.

Dùng ngoài, lá và thân trinh nữ hoàng cung giã nát, hơ nóng dùng xoa bóp làm sung huyết da chữa tê thấp, đau nhức. Không những vậy, người dân ở nước ta còn dùng trinh nữ hoàng cung để chữa bệnh phụ khoa.

Ở Ấn Độ, nhân dân đã dùng thân cây trinh nữ hoàng cung xào nóng, giã đắp trị thấp khớp và cũng dùng đắp trị mụn nhọt và áp xe.

3. Hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô đỏ có tên khoa học là Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson, họ Rau răm (Polygonaceae), hà thủ ô đỏ còn có tên gọi khác là dạ giao đằng, má ỏn, mần năng ổn (dân tộc Tày).

3.1. Đặc điểm thực vật

Hà thủ ô đỏ có dạng thân leo bằng thân quấn, sống lâu năm. Thân mềm, nhẵn, mọc xoắn vào nhau. Rễ phình thành củ, màu nâu đỏ, củ nguyên có hình giống củ khoai lang.

Lá mọc so le, hình mũi tên, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn, dài 5 – 8 cm, rộng 3 – 4 cm, 3 – 5 gân xuất phát từ gốc lá, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, cuống dài khoảng 2 cm, phủ lông tơ, bẹ chìa mỏng, ngắn, có lông dài.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành chùy phân nhánh, dài hơn lá; hoa nhỏ nhiều màu trắng; nhị 8, thường dính vào gốc của bao hoa.

Hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô đỏ

3.2. Thành phần hóa học

Hà thủ ô đỏ chứa 1.7% antraglucosid trong đó có crysophanol, emodin, rhein, 1.1% protid, 42.2% tinh bột, 3.1% lipid, 4.5% chất vô cơ, 26.4% chất tan trong nước.

Bên cạnh đó, thành phần của hà thủ ô đỏ còn thay đổi trong quá trình chế biến.

3.3. Tác dụng dược lý và công dụng

Tác dụng dược lý

Hà thủ ô đỏ có những tác dụng dược lý như: làm tăng đường máu ở thỏ, từ đó người ta đã lợi ích tác dụng này để chữa suy nhược thần kinh, giúp sinh huyết dịch, bổ tim và giúp cải thiện tuần hoàn chung. Ngoài ra, do chứa antraglucosid nên hà thủ ô đỏ có tác dụng kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng.

Hà thủ ô đỏ còn có tác dụng trên hệ nội tiết kiểu oestrogen, tác dụng kiểu progesteron nhẹ trên nội mạc tử cung, làm tăng cường trương lực cơ tử cung trong những thí nghiệm tử cung cô lập và ở nguyên vị trí, tăng tiết sữa và chống viêm.

Hà thủ ô đỏ có tác dụng chống co thắt phế quản, kéo dài thời gian an toàn trong mô hình khí dung histamin.

Hà thủ ô đỏ có tác dụng chống viêm trên các mô hình thực nghiệm, gây phù cấp tính và viêm mạn tính, gây rỉ dịch màng phổi bằng tinh dầu thông, gây viêm dị ứng và viêm da khớp bằng BCG.

Ngoài ra, hà thủ ô đỏ còn có tác dụng làm tăng số lượng hồng cầu, lợi tiểu, nhuận tràng, làm cho người bị bệnh bớt mệt mỏi, ăn ngon, ngủ được, đại tiểu tiện dễ dàng, giảm cảm giác bốc hỏa.

Dịch chiết methanol của hà thủ ô đỏ có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol máu ở chuột và các hợp chất stilben trong hà thủ ô có tác dụng dự phòng tổn thương gan trên chuột cho ăn các lipid oxy hóa như Resveratrol

Công dụng

Theo quan điểm của đông y, rễ củ hà thủ ô đỏ có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ gan, thận, bổ máu, ích tinh tủy, hòa khí huyết, mạnh gân xương, nhuận tràng.

Rễ hà thủ ô đỏ có tác dụng bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, táo bón, da mẩn ngứa không có mủ.

Uống lâu làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng. Ngày dùng 6 – 20g, dưới dạng thuốc sắc, rượu thuốc hoặc bột.

Chú ý: Người huyết áp thấp và đường huyết thấp không dùng hà thủ ô đỏ. Khi uống hà thủ ô đỏ cần kiêng ăn hành, tỏi, củ cải.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, hà thủ ô sống tươi và khô có tác dụng thông tiểu, giải độc, tiêu ung thũng, chữa táo bón cho phụ nữ sau khi đẻ hoặc người già, mụn nhọt, ghẻ lở, eczema, tràng nhạc.

Hà thủ ô chế có tác dụng bổ gan thận, ích tinh huyết, dùng làm thuốc an thần, bổ và tăng lực trong các chứng thân thể suy yếu, hoa mắt, chóng mặt, tim hồi hộp, nhức đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh, còi xương.

4. Ác ti sô

Ác ti sô có tên khoa học là Cynara scolymus L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).

4.1. Đặc điểm thực vật

Cây thảo lớn, sống hai năm hoặc lâu năm, cao 1 – 1.2m, có thể đến 2m. Thân ngắn, thẳng và cứng, có khía dọc, phủ lông trắng như bông.

Lá to, dài, mọc so le, phiến lá xẻ thùy sâu và có răng không đều, mặt trên xanh lục, mặt có lông trắng, cuống lá to và ngắn.

Cụm hoa to mọc ở ngọn thân thành đầu màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt; lá bắc ngoài của cụm hoa rộng, dày và nhọn, đế cụm hoa, phủ đầy lông tơ, mang toàn hoa hình ống.

Quả nhẵn bón, màu nâu sẫm, có mào lông trắng.

Cây ác ti sô

Cây ác ti sô

4.2. Thành phần hóa học

Lá ác ti sô chứa:

- Acid hữu cơ bao gồm:

  • Acid phenol: Cynarin (acid 1 – 3 dicafeyl quinic) và các sản phẩm thủy phân (acid cafeic, acid clorogenic, acid neo clorogenic).
  • Acid alcol: acid hydroxymethylacrilic, acid malic, acid latic, acid fumaric…
  • Acid khác: acid succinic.

- Hợp chất flavonoid (dẫn chất của luteolin) bao gồm cynarosid (luteolin – 7 – D – glucopyrano - sid), scolymosid (luteolin – 7 - rutinosid) và cynarotriosid (luteolin – 7 – rutinosid – 3’ - glucosid).

- Thành phần khác: Ác ti sô còn chứa các enzyme, nhiều hợp chất vô cơ, polyphenol, flavonoid, cynarin.

4.3. Tác dụng dược lý và công dụng

Tác dụng dược lý

  • Dung dịch ác ti sô tiêm tĩnh mạch gây tăng mạnh lượng mật bài tiết.
  • Ác ti sô cho uống và tiêm đều có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu và lượng ure trong nước tiểu, làm giảm nồng độ cholesterol máu và ure máu. Tuy nhiên, lúc mới uống thì có thể u rê máu sẽ tăng lên.
  • Ác ti sô không gây độc.

Công dụng

Cụm hoa được dùng trong chế độ ăn kiêng của bệnh nhân đái tháo đường vì nó chỉ chứa lượng nhỏ tinh bột, phần carbon hydrat gồm phần lớn là inulin.

- Lá ác ti sô vị đắng, có tác dụng lợi tiểu và được dùng trong điều trị bệnh phù và thấp khớp.

- Ngoài việc dùng đế hoa và lá bắc để ăn, ác ti sô còn được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, thông mật chữa các bệnh suy gan, thận, viêm thận cấp và mạn, sưng xương khớp. Thuốc có tác dụng nhuận tràng và lọc máu nhẹ đối với trẻ em. Dùng dưới dạng lá tươi hoặc khô, đem sắc (5 – 10%), hoặc nấu cao lỏng với liều 2 – 10g lá khô một ngày.

Ngoài ra, ở Việt Nam còn có nhiều cây thuốc và vị dược liệu quý khác như: Quế, vàng đắng, dây thìa canh, lược vàng…

Hy vọng rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức về các loại cây thuốc quý, dược liệu quý tại Việt Nam.

Xếp hạng: 3.7 (7 bình chọn)